Văn hóa cầm quyền của Đảng là vấn đề cốt lõi của văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay. Khi nói tới văn hóa chính trị tức là nói đến sự thẩm thấu của văn hóa vào trong chính trị. Khi nói tới văn hóa cầm quyền của Đảng tức là nói đến sự thẩm thấu của văn hóa vào trong hoạt động cầm quyền của Đảng. Do vậy, văn hóa cầm quyền của Đảng cũng có nghĩa là nói đến văn hóa lãnh đạo, quản lý của đội ngũ đảng viên trong bộ máy nhà nước.
Mọi đảng viên có chức trách trong bộ máy nhà nước đều có hai hoạt động: hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý. Hoạt động lãnh đạo là các hoạt động không gắn với việc sử dụng quyền lực, như: Thảo luận, xây dựng cương lĩnh, đường lối, các hoạt động mang tính động viên thuyết phục, chia sẻ, khích lệ... các đối tượng lãnh đạo để thực hiện các mục tiêu, quyết định của chủ thể lãnh đạo. Hoạt động quản lý là các hoạt động gắn với việc sử dụng quyền lực của chủ thể lãnh đạo. Những người lãnh đạo được trao quyền hạn nhất định để thực thi công việc. Họ sử dụng uy quyền của mình từ vị thế, cương vị được trao; sử dụng các công cụ luật pháp, các quy định, quy chế, các chỉ thị, mệnh lệnh... nhằm thực hiện việc quản lý nhà nước và xã hội.
Do hoạt động quản lý gắn với việc sử dụng quyền lực nên những người lãnh đạo thường dễ lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Việc lạm dụng quyền lực như vậy về thực chất là dùng những “thủ đoạn”, hay họ đã thiếu văn hóa trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Do đó, việc xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ đảng viên trong bộ máy nhà nước, hay nói rộng hơn là văn hóa cầm quyền của Đảng đã được Hồ Chí Minh rất quan tâm lúc sinh thời. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và làm cho tốt”(1), phải thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người lãnh đạo làm tốt công việc “đầy tớ nhân dân” cũng chính đạt tới tầm cao văn hóa cầm quyền, đó là cầm quyền vì dân. Đảng cầm quyền với mục tiêu tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy, để có văn hóa cầm quyền của Đảng rất cần thiết phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản sau:
Phải luôn giữ vững, thường xuyên củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Đây được coi là yêu cầu quan trọng hàng đầu để Đảng có được văn hóa cầm quyền. Thiếu sự đoàn kết sẽ hạn chế rất lớn đến văn hóa cầm quyền - một trong các yếu tố cốt lõi để nâng cao được năng lực cầm quyền của Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính trị là: Đoàn kết”, và đoàn kết “không phải là một thủ đoạn chính trị”(2); “Chính trị: Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất là sự đoàn kết”(3). Sức mạnh đoàn kết để chiến thắng không chỉ với “giặc ngoại xâm” mà cả đối với “giặc nội xâm”, là chủ nghĩa cá nhân - căn nguyên của bệnh quan liêu, tham nhũng và nhiều thứ “tệ” và “bệnh” khác. Phải có sự đoàn kết rộng rãi, chân thành, thật sự, nhưng muốn có đoàn kết phải bảo đảm dân chủ. Trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Người đảng viên trong bộ máy nhà nước phải được xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ. Nghĩa là, cần quy định rõ (các chuẩn mực, quy chế, nguyên tắc) về trách nhiệm trong lãnh đạo để những người này buộc phải tuân theo với tư cách là những người “người đầy tớ” cho “ông chủ” là nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(4). Quy định rõ các vấn đề này là yêu cầu cần thiết không chỉ để cho những người lãnh đạo thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với người dân, mà quan trọng hơn là để Đảng có các biện pháp đổi mới phương thức cầm quyền của mình, xây dựng cơ chế sao cho những đảng viên ưu tú, có chức vụ cao trong Đảng hiện nay như bí thư cấp ủy được đảm nhận một chức trách nào đó trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính.
Những đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước phải thật sự là những người gương mẫu về đạo đức và lối sống. Có đạo đức, lối sống mẫu mực của các “nhà cầm quyền” là điều căn bản để có văn hóa cầm quyền của Đảng. Sinh thời Hồ Chí Minh không chỉ nói đến “chính trị là đoàn kết”, mà còn nhấn mạnh đến “chính trị là đức”(5). Đoàn kết khi gắn với đạo đức sẽ có đoàn kết chân thành, thật sự, và đó chính là nghệ thuật hoạt động chính trị hay nghệ thuật chính trị. Nghệ thuật chính trị thể hiện chủ yếu ở nghệ thuật lãnh đạo hay “khéo lãnh đạo”. Khéo lãnh đạo chính là sự kết hợp giữa đức và tài. Cái tài đã được nhân cách hóa, cái đức đã được thẩm thấu trong cái tài. Nghệ thuật lãnh đạo hay khéo lãnh đạo luôn đối nghịch với các thủ đoạn trong lãnh đạo - những điều xấu xa trong hành động và mục tiêu của lãnh đạo. Nghệ thuật lãnh đạo là biểu hiện cụ thể của nghệ thuật cầm quyền - đỉnh cao văn hóa cầm quyền của Đảng.
Thực tiễn 30 năm đổi mới ở nước ta cho thấy, việc đảm bảo các yêu cầu nêu trên trong quá trình cầm quyền của Đảng còn không ít những bất cập, làm hạn chế đến năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Xét trong mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, hay văn hóa và sự cầm quyền của Đảng, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Đảng ta đã nhận định là còn “thiếu sự gắn bó chặt chẽ”(6). Nghĩa là, văn hóa đã chưa thật sự thẩm thấu vào hoạt động cầm quyền mà cụ thể là vào hoạt động lãnh đạo của các đảng viên của Đảng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Để xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng - yếu tố cốt lõi của văn hóa chính trị hiện nay - cần phải triển khai thực hiện chủ trương về “chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị”(7), “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh”(8) như Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đề ra.
Dưới đây, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, phải “thực hành dân chủ rộng rãi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc. Trước hết, cần thực hành dân chủ trong Đảng. Có dân chủ trong Đảng mới có dân chủ ngoài xã hội. Khi nội bộ Đảng thiếu dân chủ sẽ khó có sự đoàn kết và văn hóa cầm quyền của Đảng. Để có dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội nói chung, phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó cần “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” như Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đặc biệt, phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và bộ máy nhà nước. Hiện nay cần xúc tiến nghiên cứu, xây dựng cơ chế độc lập của ủy ban kiểm tra đảng; nghiên cứu, thực hiện cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp theo như quan điểm của Đảng đã đề ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI (9).
Thứ hai, tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân chính là sự “văn minh” trong thể chế Đảng cầm quyền ở nước ta. Thực tiễn trên thế giới đã chứng minh rằng, ở các quốc gia nào có nhà nước pháp quyền hoàn thiện, gắn với phát triển xã hội dân sự, ở đó sẽ ít có tham nhũng, lãng phí, đồng thời có chỉ số dân chủ được đánh giá là cao hơn các quốc gia khác thiếu vắng những tiêu chí cần thiết của nhà nước pháp quyền. Như vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay cũng phải theo hướng đáp ứng với các yêu cầu có tính phổ biến mà Liên Hiệp Quốc đã đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia. Đó là: Phải bảo đảm được các yếu tố cốt lõi của pháp quyền, chẳng hạn, Hiến pháp và pháp luật phải được coi là quyền lực tối thượng; quyền lực nhà nước phải được kiểm soát theo những quy trình, phương thức nhất định; phải bảo đảm về trách nhiệm giải trình của mọi tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền; bảo đảm công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động có liên quan đến bộ máy công quyền; bảo đảm sự tham gia và sự dự phần của người dân, tức mọi công dân đều có quyền bình đẳng, có cơ hội tham gia, được hưởng thụ những thành quả phát triển của xã hội.
Thứ ba, tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, sự liêm sỉ, tính trung thực của các đảng viên. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là công chức, viên chức, trong các thành phần kinh tế nhà nước và lực lượng vũ trang. Sự giáo dục này có thể thông qua nhiều hình thức, biện pháp như thường xuyên đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng quan tâm hơn vào giáo dục phẩm chất đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. Thực hiện chủ trương của Đảng là “hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”(10). Đây thực chất là yếu tố cơ bản nhất để Đảng cầm quyền theo hiến pháp, pháp luật, đồng thời làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo có được “văn hóa trách nhiệm”, biết “xấu hổ”, biết “từ chức”..., để làm tròn trách nhiệm của mình với tư cách là những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t. 12, tr. 222.
2, 4. Hồ Chí Minh: Sđd , t. 7, tr. 438, 218-219.
3. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 60.
5. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 492.
6, 7. Thông báo Hội nghị lần thứ 9 BCHTW khóa XI, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 15-5-2014.
8, 10. Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 12-6-2014.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 85.a