Tiếp tục phát huy tinh thần, ý chí của Cách mạng Tháng Tám

(NTO) Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta.

… Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to lớn đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”(1).

Cuộc vận động đấu trang giải phóng dân tộc những năm 1939-1945 của nước ta trong bối cảnh Liên Xô từ cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1941, đã thực hiện sứ mệnh giải phóng các dân tộc khỏi ách phát - xít. Từ đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béc-lin, buộc phát xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện; Hồng quân mở mặt trận đánh quân phiệt Nhật, tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại. Nắm chắc thời cơ đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước bằng hàng loạt hoạt động mau lẹ, quyết liệt. Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở các xã, châu, huyện của nhiều tỉnh giành thắng lợi.

Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Trung ương Đảng, Bác Hồ triệu tập Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, và chủ trương, nhanh chóng “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Nam, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch (tức Chính phủ lâm thời). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8 tại Hà Nội – trung tâm đầu não cai trị của Nhật, Pháp ở Đông Dương là thắng lợi lịch sử, thúc đẩy và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên toàn quốc. Ngày 23-8, Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu. Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Lạng Sơn, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre,... Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, nửa cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước. Chế độ quân chủ hàng trăm năm và ách đô hộ của thực dân xâm lược gần một trăm năm đã bị lật đổ, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới về Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng đó, trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam: toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi của tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ người Việt Nam vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công là đỉnh cao thắng lợi của 15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và giải quyết vấn đề giai cấp, dân tộc đúng đắn, chính xác trong bối cảnh lúc bấy giờ, nhằm tập hợp tất cả lực lượng cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Không chủ quan, thụ động, chờ đợi; ngược lại, Đảng và Bác Hồ đã hết sức chủ động, nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, nêu cao quyết tâm sắt đá giải phóng dân tộc. Đường lối giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đã định ra nhiều chủ trương, chính sách, cụ thể hóa tinh thần ý chí của Đảng đáp ứng khát vọng, mong mỏi của người dân từ bao đời. Vì vậy, đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc giành độc lập, tự do của nhân dân. Những chính sách của Mặt trận Việt Minh, những lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tinh thấn, ý chí kiên quyết vì mục tiêu giải phóng dân tộc, cứu nước đã thôi thúc, lay động con tim của người dân Việt Nam nhất trí, đồng lòng, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là mẫu mực về vai trò, sứ mệnh và nội dung, phương thức hoạt động của một tổ chức chính trị, đảng chính trị. Sự tin cậy, yêu mến, trao gửi niềm tin của người dân đối với Việt Minh, sẵn sàng thực hiện bất cứ công việc gì do Việt Minh chỉ huy là thìa khóa huy động lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám.

Với tinh thần quốc tế trong sáng, Đảng ta đã chủ trương thành lập mặt trận riêng ở mỗi nước trong xứ Đông Dương thuộc Pháp: Ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh); ở Lào là Ai Lao độc lập đồng minh; ở Căm-pu-chia là Cao Miên độc lập đồng minh. Đảng ta đã hết sức giúp đỡ các dân tộc Lào, Miên trong quá trình xây dựng, hoạt động của mặt trận tập hợp lực lượng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ trương chiến lược quan trọng này đã phát huy sức mạnh của nhân dân mỗi nước nước trên bán đảo Đông Dương thông qua tổ chức Mặt trận, chung sức, chung lòng đấu tranh vì mục tiêu chung giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng Tám cũng mở ra thời kỳ mới, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc Đông Dương, trong cuộc kháng chiến lâu dài chống xâm lược, giải phóng đất nước. Đó cũng là tư tưởng, tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng, nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Lào, nhân dân Căm-pu-chia anh em .

Ngày nay, nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lãnh đạo, với mục tiêu cao cả giải phóng dân tộc đã được thực hiện. Chúng ta bồi hồi đọc lại những dòng sau đây trong bức thư lịch sử “Thư gửi Ủy ban nhân dân các Kỳ, Tỉnh, Huyện và Làng” ngày 17-10-1945: của Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên với trách nhiệm khác nhau, nhưng mỗi người đều thấy động lòng, day dứt trước lời di huấn sâu sắc, thấm đượm tinh thần nhân đạo Cộng sản đó. Mỗi cán bộ, đảng viên với trách nhiệm chính trị của mình trước nhân dân, theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám, tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, kiên quyết đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị; sa sút về đạo đức, lối sống để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đó cũng chính là hành động thiết thực bảo vệ và phát huy thành quuar của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 30 năm qua là sự tiếp tục phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám. Với tinh thần cách mạng, tại Đại hội XI, Đảng ta đã nghiêm khắc chỉ rõ: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”(3). Từ thực tế suy thoái kinh tế thế giới, sự khủng hoảng của những nền kinh tế có lịch sử phát triển lâu đời trong EU (Khối Thị trường chung châu Âu) cho thấy, không có mô hình kinh tế nào là khuôn mẫu bất biến, hoặc “tự nó” là sự cứu cánh cho sự phát triển. Trong tình hình biến động mau lẹ và phức tạp của thế giới ngày nay, phải bằng trí tuệ, sự sáng tạo, tiếp thu tinh hoa, giá trị của nhân loại để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia để định ra con đường phát triển phù hợp.

Đại hội XI, Đảng ta đã xác định phải giải quyết tốt những vấn đề cơ bản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta: “Phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ… Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”(4). Học tập và vận dụng những bài học về tư duy, nhận thức, ý chí cách mạng, trách nhiệm trước nhân dân; dựa vào dân, xây dựng, niềm tin của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám, để sự nghiệp đổi mới tiếp tục dành được thắng lợi to lớn hơn. Thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục con đường của Cách mạng Tháng Tám là nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu cao cả là: xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-----------------------------

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB CTQG, H. 1995, tr. 160.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, HN. 1995, tr. 56

(3). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, HN. 2011, tr. 64

(4). Như trên, tr. 72-73