Tuy nhiên, khó khan lớn nhất trong sản xuất mía ở tỉnh ta đó là thiếu nước tưới. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp-PTNT, hiện chỉ có 30% diện tích mía chủ động nước tưới, phần còn lại sản xuất bấp bênh phụ thuộc vào nước trời. Đây là nguyên nhân dẫn đến niên vụ mía nào nông dân cũng chịu thiệt hại do hạn hán gây ra, trong đó nguy cơ mía cháy luôn rình rập. Đơn cử như niên vụ 2013-2014, nông dân trên toàn tỉnh trồng 3.062 ha mía thì có 70,4 ha bị cháy. Khó khăn trên dẫn đến năng suất mía thấp, bình quân chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi chi phí đầu tư, giá nhân công chăm sóc, thu hoạch cao, nên giảm lợi nhuận.
Nông dân xã Phước Thành (Bác Ái) thu hoạch mía. Ảnh: Anh Tuấn
Để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, ngành Nông nghiệp-PTNT đã xây dựng kế hoạch thay đổi các giống mía cũ bằng giống mía mới có năng suất, chữ đường cao. Theo đó, một số giống mía mới như K88-92, K95-84, K95-156… ưu tiên bố bí vùng đất chủ động nước, riêng giống mía chịu hạn YM55-14 đưa vào sản xuất ở những vùng đất thiếu nước. Việc đẩy mạnh đưa giống mới vào sản xuất đã làm tăng năng suất, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất. Vụ mía vừa qua, nông dân canh tác khoảng 1.800 ha mía giống mới cho năng suất 80 tấn/ha.
Ngoài ra, ngành chức năng đã có những chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía giảm được chi phí trong khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Tính đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, tỉnh ta đã hỗ trợ nông dân 5 máy nâng mía, 18 máy làm đất đa năng tại những vùng trọng điểm phát triển cây mía của tỉnh như xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn (Ninh Sơn), Phước Tiến (Bác Ái). Ngoài ra, mỗi niên vụ mía Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đã chi một khoản kinh phí nhất định hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Cụ thể, niên vụ mía 2014-2015, Công ty đầu tư hơn 400 triệu đồng hỗ trợ nông dân vùng trồng mía xã Phước Tiến (Bác Ái) mua thiết bị trồng mía hàng đôi và thiết bị chăm sóc mía.
Từ việc thực hiện thành công các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía làm chuyển biến nhận thức của nông dân, cách nghĩ, cách làm đã khác trước. Không riêng gì ở vùng mía trọng điểm xã Quảng Sơn, mà hiện nay ở vùng mía xã Phước Tân, Phước Tiến (Bác Ái) có không ít hộ đưa máy móc xuống ruộng thay lao động thủ công trong các khâu sản xuất mía. Anh Huỳnh Hữu Thanh, xã Phước Tiến, cho biết: Tôi hợp đồng với bà con Raglai sản xuất hơn 150 ha mía. Trước đây làm bằng thủ công chi phí rất cao, tiền thuê công cày xới, xuống giống, làm cỏ, bón phân hết gần 10 triệu đồng/ha. Từ ngày có máy giúp tôi làm mía đỡ cực nhọc hơn, kịp thời vụ, giảm chi phí thuê nhân công được 3,8 triệu đồng/ha. Máy đa năng có ưu điểm thiết kế gọn, ít tiêu hao nhiên liệu, có 6 chức năng (phá gốc, đào luống, xới cỏ, móc đất, bón phân và vun gốc), dễ sử dụng, nên rất nhiều nông dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ mua sắm.
Đưa cơ giới vào sản xuất là cần thiết trong bối cảnh ngành mía đường đang đối mặt với sự cạnh tranh gây gắt. Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, trăn trở: Những năm tới, diện tích trồng mía sẽ mở rộng, trong khi nguồn lạo động có giới hạn vì thế cơ giới hóa là giải pháp được Công ty quan tâm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có một số hộ trồng chưa nhận thức được lợi ích của cơ giới hóa mang lại, nếu có muốn cũng không đủ khả năng tài chính đầu tư trang bị máy móc. Trước thực tế đó, Công ty đang có kế hoạch thành lập Đội xe cơ giới cho nông dân thuê sản xuất mía để giảm chi phí đầu vào.
Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất công nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Để mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững ngành chức năng, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang cần tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ hộ trồng mía có lãi, từ đó bà con mới “gắn bó” lâu dài với loại cây trồng này.
Anh Tùng