Những ngày giữa tháng 8 rực nắng, có dịp đi trên tuyến đường ven biển từ Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) đến Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam), được nhìn ngắm phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự giàu đẹp của biển quê hương. Đang trong những ngày biển êm, xa xa phía chân trời luôn thấp thoáng những con tàu đánh cá "cỡi sóng" vươn khơi.
Ra quân vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: CTV
Là một phần của Biển Đông Tổ quốc, vùng biển tỉnh ta được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản. Do nằm ở trung tâm vùng nước trồi, nơi hội tụ của hai dòng hải lưu nên có tính chất biển Đại dương, lại có nhiều bãi rạn san hô thu hút nhiều loài hải sản trú ngụ, hằng năm có nhiều đàn cá nổi di cư về, cho phép khai thác quanh năm. Thực tế cho thấy cá đánh bắt được ở vùng biển tỉnh ta luôn có chất lượng ngon, giá bán cao hơn cá khai thác ở các ngư trường khác. Đơn cử cá thu đầm đăng Vĩnh Hy không biển nơi nào sánh bằng, kể cả cá bè cu đánh bắt trên vùng biển Ninh Thuận cũng ngon nức tiếng. Ngay cá cơm, chiếm hơn 70% sản lượng hải sản khai thác, nhờ đặc điểm chất lượng hơn nên được coi là yếu tố quyết định để chế biến ra nước mắm thơm ngon, trong đó nổi tiếng là đặc sản nước mắm Cà Ná (Thuận Nam). Đặc biệt gần đây với phát hiện thú vị về ngư trường cá ngừ đại dương ở ngay trong vùng biển tỉnh nhà (chỉ cách mũi Dinh 18 hải lý), đang mở ra một trang mới cho khai thác hải sản.
Đã từ lâu, cá đánh bắt trên vùng biển tỉnh ta được xác định là cá di cư, vì vậy có thể nói thông tin về sự xuất hiện cá ngừ đại dương đang bổ sung, làm phong phú thêm danh sách đàn cá di cư. Cho đến nay cả tỉnh ta chỉ duy nhất vợ chồng chị Vương Thị Thúy Vân ở xã Cà Ná làm nghề câu cá ngừ đại dương trên chiếc tàu có công suất 400 CV. Gần đây qua trao đổi với chị, chúng tôi được biết tàu do chồng chị là ông Trần Xót điều khiển đang đánh bắt ở vùng biển xa phía Nam. Thông thường, nếu việc khai thác thuận lợi, mỗi chuyến biển tàu chị có trên cả trăm con cá ngừ đại dương, thu nhập được 400-500 triệu đồng. Hiện nay chị đang dự kiến vay tiền đóng thêm 1 tàu 400 CV nữa để phát triển nghề câu cá ngừ đại dương. Khi biết chỉ cách mũi Dinh 18 hải lý là đã có sẵn ngư trường cá ngừ đại dương, chị Vương Thị Thúy Vân hết sức ngạc nhiên và phấn khích nói: “Xưa nay chưa có ngư dân nào ở địa phương Cà Ná, Phước Diêm biết là có cá ngừ đại dương ở ngư trường mình. Tôi phải tìm cách gọi tàu nhà về gấp, nếu ngư trường gần như vậy tại sao lại bỏ đó để đi xa quả là lãng phí”.
Ngư dân Vĩnh Hải (Ninh Hải) được mùa vụ cá thu. Ảnh: V.M
Câu hỏi của chị Thúy Vân cũng là điều mà mọi người luôn băn khoăn. Tôi được biết cùng với việc chuyển nghề vây rút chì đánh bắt vùng lộng sang nghề vây khơi, ngành Thủy sản đang hướng ngư dân chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên việc chuyển đổi còn diễn ra chậm chạp, không ít người có trách nhiệm lo rằng ngành sẽ bỏ mất thời cơ. Là loài cá di cư, giả dụ do tình trạng đánh bắt ven bờ hủy diệt làm mất nguồn thức ăn, liệu cá ngừ đại dương còn quay lại nữa không? Theo chị Vương Thị Thúy Vân, để sắm giàn câu cá ngừ đại dương chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng, bao gồm cả lưới mành và các thiết bị kèm theo phục vụ nghề câu. Thiết nghĩ với mức đầu tư này, không phải là vấn đề quá khó về vốn. Vấn đề là phải làm sao sớm hình thành đội tàu câu cá ngừ đại dương, đánh thức ngay tiềm năng của vùng biển quê hương thường được nói là giàu đẹp.
Bạch Thương