Về thăm Vạn Phước hôm nay

(NTO) Chúng tôi về thăm làng Vạn Phước vào những ngày giữa Tháng Tám lịch sử, khi nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi vừa được hoàn thành, cùng với cây đa, đình làng… trở thành minh chứng lịch sử để lại cho muôn đời về truyền thống cách mạng kiên cường của nhân dân nơi đây.

Làng Vạn Phước tự hào là cái nôi cách mạng, là nơi có chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước được thành lập và cũng là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất của tỉnh. Cuốn sách “Phước Thuận những chặng đường đấu tranh cách mạng và xây dựng (1930-2005)” của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phước Thuận có ghi lại, những năm đầu của thế kỷ XX, trước sự lan tỏa của các phong trào yêu nước, người thanh niên Trần Thi của làng Vạn Phước đã tập hợp thanh niên lập ra “Hội đồng ước” - một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên, góp phần nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở Ninh Thuận.

 
Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi vừa được hoàn thành –
là một trong những minh chứng về truyền thống cách mạng của làng Vạn Phước.

Sau khi Hội đồng ước bị giải tán, tháng 4 năm 1930, đồng chí Trần Thi cùng với Lê Phiếm và Mai Mạnh thành lập Hội Nông dân phản đế ở làng Vạn Phước do đồng chí Trần Thi làm hội trưởng. Hội đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, áp bức bất công trong những ngày đầu mới có phong trào cách mạng ở Ninh Phước. Ngày 1-5-1930, Làng Vạn Phước là một trong những nơi được các chi bộ Đảng Cộng sản chọn treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Ngay từ sáng sớm, cờ búa liềm đã tung bay trên ngọn cây đa đình làng Vạn Phước, truyền đơn được rải khắp các nẻo đường tạo nên khí thế cách mạng chưa từng thấy. Năm 1944, chi bộ Đảng cộng sản ở làng Vạn Phước được thành lập- là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước và là chi bộ thứ 2 của tỉnh nhà. Ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Thi, Mai Mạnh, Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Đối, nhân dân Vạn Phước nói riêng và huyện Ninh Phước nói chung đã đứng lên giành được chính quyền.

Trải qua hơn 80 năm, cây đa, đình làng- nơi ghi dấu lịch sử đấu tranh, truyền thống cách mạng của nhân dân Vạn Phước nay vẫn còn nguyên vẹn. Người dân Vạn Phước hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần đoàn kết trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Đồng chí Trịnh Ngọc Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Phước cho biết: Toàn thôn hiện có 703 hộ, với hơn 2.200 khẩu, đời sống bà con tương đối ổn định, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,5%; hộ gia đình khá, giả chiếm khoảng 70%, thu nhập bình quân đầu người 19 triệu đồng/người/năm. Nhân dân Vạn Phước đã biết phát huy thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để triển khai những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Điển hình như nuôi dê, cừu kết hợp với trồng nho, táo đang đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình. Sản xuất lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đem lại năng suất cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, nhân dân Vạn Phước đồng lòng, góp sức cùng nhà nước xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, để bộ mặt thôn quê ngày một khởi sắc, như: Chương trình “Thắp sáng đường quê” do nhân dân tự nguyện đóng góp, lắp đặt được 43 bóng đèn chiếu sáng tại tất cả các trục đường trong thôn; đóng góp được hơn 90 triệu đồng cùng Nhà nước bê-tông 1.266 m đường nội đồng; tham gia trồng hàng rào cây xanh từ cổng làng vào khu dân cư… Nhân dân thôn Vạn Phước sống đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ những gia đình khó khăn, hoạn nạn. Quỹ Khuyến học của xã đến nay có trên 40 triệu đồng là nguồn động viên và hỗ trợ thường xuyên cho con em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn vươn lên học tập. Mô hình “Hũ gạo tình thương” của Chi hội Phụ nữ thôn cũng là một hình ảnh về tấm lòng nhân ái luôn được bà con trong thôn ủng hộ…

Đến thăm nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi, đứng dưới bóng cây đa và đình làng Vạn Phước… chúng tôi như được lật giở từng trang sách về truyền thống cách mạng hào hùng của một tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử dân tộc…