|
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh VNNB B tại tỉnh ta như thế nào?
Bs.Nguyễn Nhị Linh: Tính đến ngày 5-8, cả nước ghi nhận trên 80 trường hợp bị bệnh VNNB B, trong đó bệnh đã bùng phát thành dịch tại tỉnh Sơn La, với 31 trường hợp mắc bệnh. Theo đánh giá, năm nay số trường hợp mắc bệnh cao hơn so với các năm trước và có những dấu hiệu bất thường. Riêng tại tỉnh ta những năm qua, số trường hợp mắc bệnh viêm não, màng não là rất thấp, trung bình từ 2-3 trường hợp/năm và cũng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virut VNNB B gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, tuy nhiên, cũng cần thực hiện tốt các biện pháp đề phòng.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân, tính chất nguy hiểm của bệnh như thế nào?
Bs.Nguyễn Nhị Linh: Bệnh VNNB B do virút Arbo gây ra. Nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên chủ yếu là trên gia súc gần người như lợn, trâu, bò, dê, cừu… và các loại chim lội nước. Môi giới truyền bệnh là muỗi Culex. Loài muỗi này hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, mạnh nhất vào lúc chập tối. Do đó, vào mùa hè mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Người dân có thói quen khi ngủ không có màn nên dễ bị muỗi đốt và mắc bệnh.
Bệnh VNNB B gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc. Đặc biệt tập trung nhiều nhất là trẻ từ 1 - 5 tuổi. Khi virút vào máu sẽ nhanh chóng đến hệ thần kinh trung ương, sinh sôi, nảy nở mạnh mẽ ở đó và gây bệnh, trong y học còn gọi là nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh.
Khi bị nhiễm vi rút, sau thời gian ủ bệnh từ 5 - 7 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như ho, sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi và sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán, nôn mửa… Đến thời kỳ toàn phát, các triệu chứng này tăng mạnh lên, đặc biệt còn có các dấu hiệu thần kinh như: cuồng sảng, ảo giác, co giật hoặc bị bại, liệt cứng và mất dần ý thức…
Điều đáng nói là bệnh không có thuốc đặc trị. Nếu bị mắc bệnh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nếu qua khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng, nặng có thể bại liệt ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt, nhẹ hơn có thể bị rối loạn tinh thần, chậm phát triển trí tuệ…
Vì vậy, trong trường hợp phát hiện con em mình có những triệu chứng như trên, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế tối đa trường hợp tử vong, di chứng sau này cho trẻ.
Phóng viên: Như vậy, theo bác sĩ, người dân cần thực hiện các biện pháp gì để phòng tránh bệnh?
Bs.Nguyễn Nhị Linh: Như đã nói ở trên, nguyên nhân truyền bệnh VNNB B là do loài muỗi Culex. Chính vì vậy, phương pháp phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh môi trường sạch sẽ. Bà con nên thường xuyên khơi thông cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa, đậy kín các chum vại đựng nước, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày… không cho muỗi vào đẻ trứng, tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng, hạn chế muỗi sinh sôi, nảy nở. Người dân cũng cần chú ý nằm ngủ có màn để tránh muỗi đốt gây bệnh.
Tiêm chủng vắc-xin VNNB B là biện pháp hết sức cần thiết đối với trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Để phòng bệnh VNNB B, hằng năm, nhà nước ta đã ưu tiên triển khai các đợt tiêm chủng mở rộng phòng bệnh VNNB B cho trẻ từ 1-5 tuổi cho một số tỉnh nghèo, có dịch cũ. Tỉnh ta là một trong số đó (tại tỉnh ta đợt tiêm chủng vắc-xin VNNB B thường được thực hiện vào tháng 10 hàng năm). Các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu có thông báo của trạm y tế xã, phường cần đưa con em mình tiêm chủng đúng lịch, đủ 3 mũi nhằm giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt phòng bệnh. Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2: sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa được tiêm chủng cần tiêm đủ 3 liều cơ bản, lịch tiêm cũng tương tự như trên. Theo thống kê, tỉnh ta có trên 90% trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vắc-xin VNNB B đủ 3 mũi.
Phóng viên: Xin cám ơn bác sĩ!
Uyên Thu (thực hiện)