Vi-rút lây truyền trực tiếp qua niêm mạc (tiếp xúc với dịch và máu) hoặc qua đường máu (chung bơm kim tiêm, truyền máu, chung vật dụng dao cao, chích lễ, làm móng … không bảo đảm vô trùng); quan hệ tình dục với người nhiễm HBV không sử dụng bao cao su và đường mẹ lây truyền sang con (đây là con đường nguy hiểm nhất vì sự lây lan âm thầm và chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng). Việt nam là nước có lưu hành bệnh viêm gan B, tùy theo khu vực người nhiễm HBV có tỷ lệ từ 2 – 13% dân số trong cộng đồng và tiêm vác-xin ngừa vi-rút Viêm gan B đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 5 tuổi.
Sau khi nhiễm vi-rút viêm gan B khoảng 60- 90 ngày bệnh nhân thường thấy sốt, mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da và đau hạ sườn phải. Tỷ lệ tử vong trong giai đoạn viêm gan vi-rút B cấp tính khoảng 1% nhưng hậu quả lâu dài là xơ gan hoặc ung thư gan khá cao. Hoặc bệnh có thể trở thành mãn tính nhất là với trẻ em và cũng có thể là người lành mang HbsAg dương tính. HBV đào thải ra ngoài qua dịch tiết và sữa, không đào thải qua phân như vi-rút viêm gan A. Ở những phụ nữ mang thai trong những tháng đầu có nhiễm HBV không thấy thai nhi bị dị tật
Với tỷ lệ người nhiễm HBV quá cao, nếu có điều kiện bạn nên đi xét nghiệm và tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc. Có những tình huống xảy ra:
Các kháng nguyên (Antigen):
-Kết quả xét nghiệm HbsAg (kháng nguyên bề mặt HBV) âm tính, tức bạn không bị nhiễm HBV và tốt nhất bạn nên tiêm vác-xin ngừa viêm gan B.
-Kết quả xét nghiệm HbsAg dương, tính tức bạn bị nhiễm HBV và bạn nên làm thêm xét nghiệm:
+ HbeAg (kháng nguyên một phần lõi HBV ), nếu âm tính thì bạn là người lành mang trùng và không cần điều trị nhưng tốt nhất bạn nên cho tiêm vác-xin ngừa viêm gan B cho những người trong gia đình để phòng lây nhiễm cho người khác.
+ HbeAg nếu dương tính có nghĩa là vi-rút đang phát triển (nhân lên) và bệnh đang lây lan mạnh và nếu hiện diện trên 3 tháng, có thể bạn bị viêm gan mạn tính. Bạn nên đến bệnh viện khám để được tư vấn và điều trị. Nếu phụ nữ có thai mang HbsAg mà xét nghiệm HbeAg (-) thì khả năng lây nhiễm sang con dưới 15%, còn nếu HbeAg (+) thì mức lây nhiễm lên đến trên 90%.
+ HbcAg thường ở trong tế bào gan, không tìm thấy ở huyết thanh.
Các kháng thể (Antibody):
-AntiHbs là kháng thể (của cơ thể đáp ứng) đối với kháng nguyên HbsAg (của vi-rút) xác định sự lành bệnh và khả năng lây lan rất ít. Thường xuất hiện sau khi tiêm vác-xin ngừa viêm gan B, là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu lực của vác-xin.
-AntiHbe là kháng thể (của cơ thể đáp ứng) đối với kháng nguyên HbeAg (của vi-rút) dương tính xác định lành bệnh và khả năng lây lan rất ít.
-Anti HBc là kháng thể (của cơ thể đáp ứng) đối với kháng nguyên HbcAg: nếu kháng thể nay thuộc nhóm IgM là mắc bệnh viêm gan cấp và nếu thuộc nhóm IgG là viêm gan mạn.
Các men gan:
-Men gan (SGPT, SGOT) tăng cao gấp 3 – 5 lần trong viêm gan cấp và có thể gần như bình thường trong viêm gan mạn. Nếu HbsAg (+) và men gan có tăng thì cần làm thêm xét nghiệm HBV-DNA, nếu dương tính (+) là bạn bị mắc viêm gan mạn, cần đi khám để được tư vấn và điều trị lâu dài để phòng những biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan sau này.
Theo khuyến nghị của các thầy thuốc chuyên khoa thì hiện nay tác dụng của thuốc kháng vi-rút đối với vi-rút Viêm gan B còn rất hạn chế, điều trị rất lâu dài và tốn kém nên việc phòng ngừa nhiễm vi-rút Viêm gan B là chủ lực.
- Phòng bệnh không đặc hiệu: không dùng chung những vật dụng xâm lấn (tiêm chích, cắt lễ, làm móng không vô trùng), không quan hệ không an toàn với người nhiễm HBV, xét nghiệm HBV cho phụ nữ trước khi kết hôn.
- Phòng bệnh đặc hiệu: nên tiêm phòng vác-xin ngừa viêm gan B đúng lịch cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, cho trẻ gái và nếu có điều kiện cần tiêm phòng cho tất cả mọi người trong gia đình.
BS. Nguyễn Năm