Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng
Đến nay, toàn tỉnh có trên 378.300 người dân tham gia BHYT, chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh. Như vậy, vẫn còn khoảng 212.000 người dân chưa tham gia, một con số không hề nhỏ!
Người dân khám bệnh có BHYT tại Trung tâm y tế Tp.Phan Rang- Tháp Chàm.
Ông Nguyễn Quang Công, Trưởng phòng Thu BHXT tỉnh cho biết: Thành phần tham gia BHYT chủ yếu là đối tượng thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc như: người nghèo, người cận nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh… Các thành phần không tham gia BHYT chủ yếu là người dân làm nghề tự do, buôn bán... Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc nhưng lại không tham gia, đó là các lao động làm việc tại các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp nợ BHYT của hơn 10.000 lao động, trên 23.000 HSSV không tham gia BHYT.
Một trong những nguyên nhân chưa thu hút nhiều người dân tham gia BHYT tự nguyện đó là các cơ sở KCB, nhất là cơ sở KCB ban đầu chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều người dân, đối với những trường hợp bệnh nặng có nhu cầu chuyển lên tuyến trên, việc yêu cầu chuyển viện gặp nhiều khó khăn. Cơ sở trang thiết bị y tế KCB ban đầu tuyến huyện, xã, phường còn thiếu thốn. Một số khoa điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên trong tình trạng quá tải nên chất lượng KCB chưa đáp ứng yêu cầu của người dân…
Bên cạnh đó, với mức đóng BHYT là 621.000 đồng/thẻ như hiện nay là vẫn còn cao so với kinh tế của nhiều hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Phường, (phường Mỹ Bình, Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Vợ chồng tôi đi làm thuê mỗi tháng chỉ kiếm khoảng trên 3 triệu đồng, lại phải nuôi con ăn học, nhiều khi còn không đủ. BHYT cho con thì cố gắng tham gia được, chứ cho cả vợ chồng chi hơn 1,2 triệu đồng thì khó quá. Nhiều khi bị bệnh phải đi khám tư, tự mua thuốc uống tốn nhiều tiền nhưng cũng đành chịu.
Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được các cấp, các ngành đẩy mạnh nên nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết các quy định, chính sách BHYT. Ông Phan Trọng Hộ, Trưởng Ban Mặt trận khu phố 4, phường Đài Sơn (Phan Rang- Tháp Chàm) nhận xét: Việc thông tin, tuyên truyền về BHYT trên các phương tiên thông tin đại chúng thôi chưa đủ, cần phải hướng mạnh về cơ sở, nói cách khác là phải tuyên truyền đến từng người dân, từng hộ gia đình mới có sức thuyết phục. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân tôi là cán bộ Mặt trận khu phố, từ trước đến nay chưa hề nhận được bất kỳ văn bản, tài liệu nào từ ngành chức năng, chính quyền địa phương để tuyên truyền trên lĩnh vực này.
Cần có giải pháp đồng bộ
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên 81,1%. Trước mắt đến cuối năm 2014, cần thu hút thêm 16.600 người tham gia BHYT, nâng tỷ lệ bao phủ của BHYT lên 66,92%. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Như vậy, để đạt được các mục tiêu BHYT toàn dân mà tỉnh đề ra, cần có giải pháp đồng bộ, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành liên quan. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thực hiện các quy định của chính sách, pháp luật về BHYT. Ngành Y tế cần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh… Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều người dân, Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách ưu đãi đối với những người dân tham gia BHYT tự nguyện, ví dụ như đối với những người tham gia BHYT đã nhiều năm liên tục nhưng ít khi sử dụng BHYT sẽ được giảm mức tiền mua thẻ. Hoặc có chính sách ưu đãi đối với những gia đình có nhiều thành viên mua thẻ BHYT cùng lúc... Bên cạnh các chính sách ưu đãi, cũng cần có chế tài mạnh đối với những doanh nghiệp nợ BHYT, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thực hiện tốt những điều này, tin rằng tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ đạt mục tiêu phấn đấu của tỉnh đề ra.
Uyên Thu