Nâng cấp các tuyến đê, kè trước mùa mưa bão

(NTO) Đoạn đê bảo vệ bờ biển khu vực thôn Phú Thọ (phường Đông Hải), kè biển Sơn Hải (Thuận Nam), kè đoạn bờ hữu sông Cái (đoạn từ Ninh Quý đến hết khu dân cư, Ninh Phước) hay đoạn kè ở khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (Ninh Hải)... là trong số nhiều đoạn đê, kè trong tỉnh đã đi vào sử dụng trên 10 năm nay và hiện đang có dấu hiệu xuống cấp.

Do ảnh hưởng của sóng biển, triều cường và bão lụt nên lớp mặt bê tông của đê, kè bị bào mòn, bong tróc nhiều. Hằng năm, các địa phương, đơn vị chức năng có tổ chức kiểm tra hoạt động các công trình thủy lợi nhằm phát hiện và đề xuất xử lý những hư hỏng tại đây. Tuy nhiên, số lượng các đoạn đê, kè cần được nâng cấp, xử lý thì nhiều, trong khi ngân sách địa phương lại có hạn.

Đoạn kè kiên cố chống xói lở dưới chân cầu Đạo Long 1.

Trước hiện trạng các đoạn đê, kè bị hư hỏng, xuống cấp thì hướng giải quyết của các đơn vị chức năng và địa phương chủ yếu vẫn là giữ nguyên kết cấu cũ, chỉ duy tu, sửa chữa chứ không thể làm mới do không đủ kinh phí; đồng thời sắp xếp theo mức độ ưu tiên của các công trình (đoạn đê, kè nào xuống cấp trầm trọng thì được ưu tiên nâng cấp trước và ngược lại). Trong năm 2012, 2013, một số dự án nâng cấp, gia cố các đoạn đê, kè đã được tỉnh ưu tiên, chú trọng thực hiện như: nâng cấp đê bờ Bắc sông Dinh; đoạn đê bờ biển khu vực phường Đông Hải; đê bảo vệ bờ biển khu vực Đầm Vua; kè hạ lưu cầu Móng; kè bờ biển thôn Khánh Hội... Các công trình này khi đi vào sử dụng đã phát huy cao nhất được năng lực thiết kế, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Trong năm nay, một số dự án quan trọng cũng đang được triển khai thi công như: kè chống sạt lở bờ sông Lu II (khu vực cầu Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước). Đặc biệt, phải kể tới công trình Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai quy mô 8 phòng 2 tầng dành cho thầy trò Trường TH Chất Thường (Ninh Phước). Công trình này được triển khai thi công vào cuối tháng 4-2014 và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đúng dịp năm học mới 2014-2015. Với mức đầu tư gần 6 tỉ đồng (từ Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung và nguồn vốn đối ứng của tỉnh), công trình vừa giúp người dân xã Phước Hậu có nơi tránh bão lũ an toàn, vừa là trường học khang trang giúp thầy trò Trường TH Chất Thường yên tâm trong công tác dạy và học. Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thích ứng biến đổi khí hậu.

Anh Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch- Kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi cho biết: Vấn đề khó khăn nhất để phục vụ cho công tác duy tu, nâng cấp các công trình thủy lợi vẫn là vấn đề kinh phí thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Khi đã có kinh phí, các vấn đề còn lại như giải phóng mặt bằng hoặc hoàn thiện hồ sơ pháp lý đều được các ngành, các cấp tạo điều kiện, không có gì vướng mắc. Trước mắt, chúng tôi vẫn cố gắng quyết tâm phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ nhằm tham mưu cho lãnh đạo kịp thời tu bổ và sửa chữa để phục vụ tốt cho đời sống và sản xuất của nhân dân. Đồng thời triển khai những biện pháp tuyên truyền sâu rộng để nhân dân chấp hành nghiêm Luật Đê điều.