Chơi diều - từ thú vui đến... mối lo

(NTO) Ngoài “nhiều nắng”, tỉnh ta còn được mệnh danh là vùng đất “nhiều gió”. Chơi diều vì thế mà trở thành thú vui không thể thiếu được với một bộ phận người dân, đặc biệt là trẻ em. Tuy vậy, thú vui này cũng tiềm ẩn những mối lo ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện.

Vui thì có vui...

Những cánh diều với đủ hình dáng, màu sắc sống động chao nghiêng trên bầu trời chiều bình yên có sức cuốn hút đặc biệt với trẻ em không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị. Khoảng từ 4 đến 6 giờ chiều, khi mà trời dần tắt nắng thì cũng là lúc nhiều em thiếu niên í ới gọi nhau mang diều ra thả. Ở khu vực nông thôn, những cậu bé, cô bé vừa làm động tác tay cầm dây diều “giật giật”, chân di chuyển lùi để hứng cho diều “no gió” và bay cao trên những cánh đồng, hay trên các bãi đất bỏ hoang là hình ảnh không hiếm gặp. Còn ở thành phố, số lượng trẻ em chơi diều ít hơn do ở đây không có nhiều địa điểm lý tưởng để các em thỏa sức vừa chạy nhảy, vừa thả diều. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt gặp trẻ em thành phố chơi diều ở một vài con đường vắng xe cộ qua lại, Quảng trường 16 Tháng 4, trong các công viên hoặc khu vực bãi cát ven biển Bình Sơn- Ninh Chử.

Ảnh minh họa.

Nhìn chung, cuộc sống hiện đại nên thú chơi diều của lứa tuổi học trò cũng dần “đơn giản hóa” hơn. Thay vì tỉ mẩn tự làm những chiếc diều truyền thống bằng giấy… thì ngày nay, các em chủ yếu mua diều sẵn với cánh diều được thay bằng vải, có in sẵn các hoa văn phong phú, bắt mắt trên thân diều. Gặp một nhóm các em thiếu niên đang cùng nhau chơi diều ở đường Bác Ái (phường Đô Vinh), chúng tôi được các em chia sẻ: “Chúng em xin tiền bố mẹ mua diều bán sẵn ngoài cửa hàng với giá 35.000 đồng, loại đắt nhất giá cũng chỉ 55.000 đồng, thêm một cuộn dây dù giá từ 12.000-15.000 đồng nữa là có thể thỏa thích chơi cả tiếng đồng hồ.” Cũng có một số em nhỏ chưa tự thả để diều lên cao và cột cố định lại được nên thường có cha hoặc mẹ đi cùng trợ giúp. Anh Nguyễn Tuấn Anh, người dân khu vực này cho biết: “Chơi diều cũng có phong trào, trẻ em dọc tuyến đường này hầu hết đều thích chơi diều nên cháu nhà tôi cũng nhất quyết “đòi” bố mẹ mua diều về thả. Cả khoảng thời gian nghỉ hè vừa rồi, chiều chiều tôi lại cùng cháu ra khu đất trống gần cuối đường để thả diều. Tôi thường thả cho diều lên cao rồi buộc cố định lại, chỉ để cháu cầm nắm dây diều và điều khiển tại chỗ cho vui. Có nhiều hôm cháu cũng “buồn ra mặt” vì “mang” diều ra lại “vác” diều về do gặp trời mưa hoặc không có gió.

Lo cũng có lo

Chơi diều có rủi ro hay gặp phải là diều bị đứt dây, sa vào bụi cây hoặc mắc vào đường dây tải điện nếu địa điểm thả diều không được rộng rãi, thông thoáng hoàn toàn. Tại Điều 15, Nghị định 68/2010/NĐ-CP ngày 15/06/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm các quy định về an toàn điện. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thả diều, bóng bay, các vật bay khác, các loại pháo khi bắn ra có dây kim tuyến hoặc thả bất kỳ vật gì từ trên cao trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện... Thực tế, chỉ riêng trên tuyến đường Bác Ái (phường Đô Vinh), chúng tôi đã bắt gặp 3 chiếc diều đứt dây, nằm “vắt vẻo” trên dây điện, trụ điện. Có lần về vùng nông thôn, chúng tôi còn thấy cảnh tượng rất nguy hiểm là 1 em nhỏ đang cố gắng cầm gạch để ném vào chiếc diều vừa bị giắt trên trụ điện hòng mong diều rơi xuống. Nhìn chung, không ít thanh thiếu niên vẫn chưa thấy hết tính chất nguy hiểm và hậu quả do việc thả diều gần đường dây điện gây ra.

Để mơ ước của tuổi thơ theo cánh diều mà bay cao, bay xa… thì các bậc phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở con em mình khi chơi diều cần tránh xa các khu vực có đường dây điện và tuyến lộ giao thông chạy qua để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.