Xe bánh mì Suzuki đối diện với Trường THCS Lý Tự Trọng rất đông người đến mua bởi hương vị thịt đun nước dừa đặc trưng. Ổ bánh mì xẻ đôi, chan nước dọc ổ bánh, thêm rau ngò, dưa leo, thịt đun xé sợi kèm vài lát ớt, làm say lòng biết bao thực khách. Bánh mì luôn nóng, giòn, “nhưn” đa dạng, giá rẻ và quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tiêu chí hàng đầu là không được dùng tay bốc thức ăn cho khách. Nếu để họ thấy, dù chỉ một lần thì lần sau họ không đến mua nữa”- chị Oanh chủ xe bánh mì, cho biết. Bình quân mỗi buổi sáng chị Oanh bán trên 500 ổ, thu nhập cũng kha khá. Khách mua có nhiều thành phần như công nhân viên chức, học sinh, dân lao động... Bí quyết thu hút khách ở chỗ bánh mì nhỏ, xốp và giòn, nước không quá loãng để ổ bánh chan nước rồi vẫn giữ độ giòn lâu.
Ảnh minh họa.
Xe bánh mì bên con hẻm Liên đoàn Lao động tỉnh chuyên bán bánh mì thịt nguội cũng thu hút nhiều khách đến mua. Bánh mì ở đây khá đặc biệt, thịt nguội tự làm với mùi thơm phức của thịt và tiêu hột, sốt mayonnaise tự chế biến, cà rốt, củ cải muối chua ngọt và bánh bánh mì bơ thơm giòn. Chị Linh cho hay: Để thu hút khách hàng, trước tiên tủ bánh phải bắt mắt, bánh ngon và quan trọng phải sạch sẽ. Khi nghề bán bánh mì cho thu nhập khá nhiều người cũng “tập tành” mở tiệm bán nhưng chẳng bao lâu cũng đóng cửa vì lý do này hay lý do khác. Chính vì thế, để kinh doanh mặt hàng này đòi hỏi phải ngon, rẻ, hợp vệ sinh và địa thế phải thuận lợi. Ngoài ra, người bán phải nhớ được nhu cầu từng vị khách đến. Có người bán mỗi khi khách đến không cần nói người bán nhìn là biết được "gu" của từng người, vì thế khách không phải mất thời gian đứng đợi lâu mà được mẩu bánh vừa ý.
Người ta thường nói "Thời gian không thể quay trở lại", nhưng khi tìm lại một hương vị thân thuộc nào đó cũng mang ta về những tháng ngày xưa cũ. Chú tôi sinh sống ở Sài Gòn đã lâu nhưng mỗi khi về quê, chú lại thích thưởng thức bánh mì bán trước nhà thuốc Công ty Cổ phần Dược (đầu đường Ngô Quyền) để nhớ lại thời trai trẻ. Đây cũng là một trong những xe bánh mì thịt có thâm niên hơn… 50 năm, vẫn còn đó chiếc tủ bánh mì ngay góc phố, nhỏ gọn mà ngăn nắp, những chiếc ghế nhựa cho khách ngồi vừa nhâm nhi bánh mì vừa tán chuyện “trên trời, dưới biển”, mùi thơm không lẫn vào đâu được của những viên xíu mại hấp nước cốt dừa, món pa-tê gan thơm nức mũi, vị ngọt đến quyến rũ của nước tương, độ giòn rụm của bánh mì lò Bà Muối... tất cả vẫn còn đó hương vị của ngày nào, mặc dù người bán hôm nay đã là thế hệ thứ tư trong gia đình. Độ ngon của một ổ bánh mì ở đây nằm ở sự cân bằng giữa mùi thơm của thịt, vị ngọt đặc trưng của nước tương, đồ chua, dưa leo, ngò ăn kèm, một chút cay nhẹ của ớt hiểm cắt lát... Thành phần chỉ đơn giản là vậy, nhưng có người dù chỉ ăn một lần nhớ mãi. Ngần ấy năm để gìn giữ một hương vị, hẳn người bán cũng khá nặng nợ với nghề.
Nếu có dịp vào TP. Hồ Chí Minh, thử nhâm nhi một ổ bánh mì chúng ta sẽ thấy người bán luôn kèm theo cây tăm, và mẩu giấy lau miệng mỗi khi bán cho khách. Có nơi người bán cẩn thận kèm theo một túi nhỏ có nhiều ngăn đựng riêng biệt ớt, tiêu, giấy, tăm, một chai nước khoáng...giá tiền chỉ nhích lên một tí nhưng khách ai cũng hài lòng. Nhìn lại các xe bán bánh mì ở quê mình chưa thấy ai làm điều đó. Thiết nghĩ, mỗi người bán nên làm cử chỉ nho nhỏ như vậy để bánh mì quê mình có vị ngon trọn vẹn.
Hồng Chỉ