Với kế hoạch “Chiến thắng” và “Vĩnh Sơn” địch đã gây nhiều tổn thất cho lực lượng Cách mạng, đặc biệt đối với vùng trọng điểm phía Nam của tỉnh. Bởi lẽ tất cả mọi thông tin về hệ thống tổ chức, quân số của Huyện ủy An Phước, Tỉnh ủy Ninh Thuận, đội mũi công tác Phước Nam và tất cả các phương án đột ấp, phá kèm, sự tăng cường các đơn vị quân chủ lực, cơ sở Cách mạng tại các thôn ấp như Đại Phước, Vụ Bổn… đều được mật báo thông qua đối tượng mang bí số ER-X38.
Lãnh đạo Ty Công an Thuận Hải (cũ) cùng Ban chỉ huy An ninh họp, tìm cách giải mã đối tượng ER-X38. Hắn là ai? nam hay nữ ? hiện nay hắn đang ở đâu?…tất cả đều là ẩn số. Tuy nhiên nhận định ban đầu của lực lượng An ninh tỉnh là: trong kháng chiến hắn phải là người trong hàng ngũ cách mạng, có vị trí công tác nhất định mới có thể am hiểu đầy đủ rõ mọi chủ trương, đường lối của ta đến vậy. Hậu quả hắn gây ra cho cách mạng đã rõ, tuy nhiên trong giai đoạn mới nếu không kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, hiểm họa của ER-X38 thật khó lường, bởi lẽ một đối tượng như thế luôn được các thế lực thù địch câu móc hoạt động, chống phá cách mạng đến cùng.
Các trinh sát dày dặn kinh nghiệm nhất được tung vào cuộc. Lần theo những trang hồ sơ về kế hoạch “Chiến thắng” và “Vĩnh Sơn” để lần tìm manh mối. Đúng như nhận định ban đầu của chúng ta, mục đích của địch xây dựng nội gián trong hàng ngũ cách mạng để tìm hiểu hệ thống tổ chức, chủ trương đường lối hoạt động về chính trị, quân sự, kinh tế, các cấp chỉ huy, cơ sở liên lạc tiếp tế cho cách mạng. Để đạt mục tiêu trên chúng đã câu móc, xây dựng được đối tượng mang bí số ER-X38 từ tháng 1/1973 cho đến ngày giải phóng. Đọc những mật tin do ER-X38 cung cấp cho địch lòng các trinh sát đau nhói, đó là nguyên nhân của những lần đột ấp, phá kèm thất bại, biết bao cán bộ đội mũi của ta phải hy sinh xương máu, bao cơ sở cách mạng bị truy tróc khi tìm cách thu mua tiếp tế lương thực, thực phẩm…Đặc biệt tất cả sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với Huyện ủy An Phước được báo cáo tỉ mỉ, chi tiết và đầy đủ. Tuy chỉ một mong muốn duy nhất của các trinh sát lại không hề có trong hồ sơ, đó là bộ mặt thật của kẻ mang bí số ER-X38. Tất cả tái hiện trong hồ sơ chỉ là các mật danh: Văn Lợi, Phước Vinh…hoặc là bí số: ERN-Z6, ER-X38.
Thời gian lặng lẽ trôi, có 01 chi tiết được các trinh sát lưu tâm đó là, theo quy luật cứ vào thứ 5 hàng tuần ER-X38 lại đến nhà của một đối tượng mang bí số Z để gặp gỡ, giao tin. Ám hiệu an toàn để chúng thực hiện là đồng hồ của cả 02 đều đeo về phía tay phải. Như vậy ER-X38 phải công tác ở bộ phận thường xuyên ra, vào các ấp vùng tranh chấp với địch. Từ nhận định trên, các trinh sát đã gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo từng công tác tại Huyện ủy An Phước, mũi công tác Phước Nam để truy tìm dấu vết của hắn. Kết quả đúng như dự đoán, từ năm 1973 cho đến đầu năm 1975, sau khi các kế hoạch công tác có dấu hiệu bị lộ lọt, nhiều trận đánh bị địch phát hiện, phản kích ngược, nhất là các cơ sở cách mạng bị vô hiệu hóa, An ninh huyện An Phước đã nghi ngờ có nội gián, nhanh chóng báo cáo Huyện ủy An Phước và Ban An ninh tỉnh. Tuy nhiên trong thời điểm lúc bấy giờ việc truy tìm phải đảm bảo các yếu tố nhanh, gọn, chính xác nhưng không nóng vội dẫn đến oan sai gây tác động xấu về mặt tâm lý đối với đồng chí, đồng đội. Do đó sự việc chi dừng lại ở việc thông báo, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng...
Không thể để ER-X38 lọt lưới, các trinh sát đêm ngày thu thập chứng cứ, rà soát lại danh sách tất cả cán bộ đã từng công tác tại địa bàn này, đối chiếu với từng chi tiết nhỏ nhất. Cuối cùng ER-X38 cũng đã phải lộ diện. Không ai có thể ngờ rằng, lúc bấy giờ ER-X38 đang nằm trong 01 vỏ bọc hết sức hoàn hảo: Chi ủy viên, phụ trách công tác phụ nữ xã Đại Phước (Bao gồm xã Phước Nam, Phước Hà ngày nay)- thị chính là Măng Thị Tìm (sinh năm 1937), trú tại thôn Trà Vân, xã Đại Phước (Nay thuộc Phước Hà). Qúa trình bắt giữ, khai thác thị khai nhận như sau:
Cuối năm 1970, thị được giác ngộ và tham gia cách mạng. Tại vùng căn cứ kháng chiến thị đã được kết nạp vào Đảng và phân công làm cấp dưỡng cho mũi công tác Phước Nam. Do nhiệt tình công tác, lại biết cách ăn nói nên từ tháng 10/1972, lãnh đạo huyện đã giao cho thị nhiệm vụ mới làm cán bộ phong trào phụ nữ và xây dựng cơ sở cách mạng, thuộc biên chế mũi công tác Phước Nam. Với cương vị công tác này Măng Thị Tìm thường xuyên vào ra các ấp Vụ Bổn, Trường Sanh, Hiếu Thiện để vận động chị em phụ nữ đấu tranh chính trị, kêu gọi binh lính đào, rã ngũ…
Cũng vào thời điểm này, về phía địch, để tìm cách đánh phá phong trào cách mạng, lực lượng Cảnh sát đặc biệt (còn gọi là F Cảnh sát đặc biệt Ninh Thuận) cũng đang tìm mọi cách xây dựng cơ sở nội gián, chui sâu, leo cao trong hàng ngũ cán bộ của ta, để thu thập tin tức tình báo, phục vụ cho việc đánh phá của chúng. Khi phát hiện Măng Thị Tìm hội đủ yếu tố, chúng đã tìm cách tiếp cận, móc nối… Biết Thị Tìm lúc này còn có một người con gái tên là Mang Thị Kh. hiện đang sinh sống tại thôn Trà Vân, xã Đại Phước chúng đã lôi kéo, mua chuộc và Thị Kh. đã sa ngã nhận lời làm cộng tác viên cho địch. Sau một thời gian thấy Thị Kh. hoạt động khá tích cực, chúng liền giao nhiệm vụ cho thị lên căn cứ gặp mẹ, tức Thị Tìm để móc nối cùng tham gia hoạt động. Ngày 21/12/1972, tại CK7 khi được con gái đặt vấn đề Thị Tìm bằng lòng ngay. Tuy nhiên để che mắt lực lượng Cách mạng, được sự chỉ đạo của F Cảnh sát đặc biệt, 01 kế hoạch hoàn hảo được đặt ra, chúng chỉ chờ cơ hội thuận tiện sẽ ra tay hành động…
Nhận thấy điều kiện đã chín muồi, đầu năm 1973, Thị Tìm đã xung phong cùng 02 đồng chí cán bộ đội mũi công tác Phước Nam đi chuyển giao tài liệu. Lấy cớ là người địa phương thông thuộc địa hình, Thị Tìm hăng hái đi trước. Không một chút nghi ngờ 02 đồng chí của ta bám sát theo sau và thị đã dẫn 02 đồng chí của ta vào ổ phục kích của địch. Khi vào đúng vị trí đã thỏa thuận trước, thị giả vờ ngã xuống để cho địch nổ súng sát hại 02 đồng chí cán bộ Cách mạng. Tuy nhiên 02 đồng chí cán bộ của ta đã né tránh kịp thời và chạy về căn cứ. Để che mắt lực lượng Cách mạng địch đã bắt giữ Thị Tìm, dẫn giải về Chi khu Cảnh sát quận An Phước. Cùng với sự việc trên địch cho loan tin, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng Thị Tìm không hề khai báo. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn trái ngược, thị đã khai rành rọt về cơ cấu tổ chức, quân số, vũ khí và hoạt động của mũi công tác Phước Nam, đồng thời nhận làm cộng tác viên cho Chi khu Cảnh sát quận An Phước, mang bí số ERN-Z6.
Tháng 4/1973, nằm trong mưu đồ của địch, Thị Tìm được trả về địa phương và ngấm ngầm hoạt động phá hoại cơ sở Cách mạng. Nhận rõ sự lợi hại của Thị Tìm, tháng 11/1973 F Cảnh sát đặc biệt Ninh Thuận tiếp tục xây dựng thị thành tình báo viên mang bí số ER-X38, với mục đích đánh quay lại hàng ngũ Cách mạng, nhằm thu thập tin tức tình báo.
Để thực hiện mưu đồ trên, tháng 8/1973 được sự chỉ đạo của F Cảnh sát đặc biệt, ngụy trang dưới hình thức đi chặt củi tại vùng núi Trà Vân, Thị Tìm đã tìm cách gặp lại một số đồng chí cán bộ trước đây cùng hoạt động. Tại đây thị đã trình bày chi tiết vụ việc bị địch bắt. Do tin tưởng vào lời kể của Tìm nên thị đã được dẫn đi gặp cán bộ của huyện ủy An Phước và tiếp tục được phân công làm nhiệm vụ cán bộ phong trào vùng dân tộc. Kể từ đó cho đến ngày giải phóng Măng Thị Tìm đã cung cấp 126 tin các loại, chỉ điểm cho đánh phá 40 cơ sở Cách mạng, trong đó có 10 cơ sở do thị xây dựng, gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng.
Sau khi xác minh, củng cố thêm chứng cứ, cuối năm 1978, lực lượng Công an đã bắt giữ, khai thác và đưa thị đi học tập cải tạo.
Nguyên Thảo