Hầu hết các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV trên thị trường tỉnh ta có nguồn gốc từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ở các tỉnh khác, nhiều nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh đưa về tiêu thụ; nguồn cung này hiện nay khá phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng như cầu sản xuất của địa phương.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Gò Đền (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) phục vụ vật tư nông nghiệp cho xã viên.
Ảnh: Văn Miên
Theo ông Trần Minh Khoa, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp đã chấp hành các thủ tục về đăng ký kinh doanh, các sản phẩm nhập về đều có hóa đơn chứng từ và ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, không có hàng nhập lậu. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở nông thôn, vùng sâu-vùng xa chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định hoạt động kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh chưa quan tâm đến việc lưu giữ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; tình trạng vi phạm đo lường chất lượng tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, qua thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trọng sản xuất kinh doanh phân bón, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 30 cơ sở, qua đó phát hiện 10 trường hợp vi phạm (chiếm 30%). Trong đó, có 9 vụ vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và 1 vụ không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Xử lý vi phạm hành chính 13,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm về nhãn mác và thiếu hàm lượng đối với thuốc BVTV. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra đã lấy 16 mẫu phân bón, 52 mẫu vật tư nông nghiệp khác gửi đi kiểm định chất lượng. Tuy nhiên đến nay chưa có kết quả để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Mặc dù công tác kiểm tra, xử lý đã được tăng cường nhưng thực tế việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng và các ngành liên quan. Theo ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Để quản lý ngăn chặn tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất khi có thông tin từ cơ sở mạng lưới… Mặt khác cần tăng cường công tác thông tin, tham gia tập huấn, hội thảo tuyên truyền cho dân cảnh giác, tố giác các biểu hiện sai phạm gắn với việc tập huấn cho người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian và đúng phương pháp).
Thực tế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn len lỏi hoạt động. Việc kiểm tra chỉ mới tập trung vào điều kiện kinh doanh, nguồn gốc phân bón mà chưa chú trọng đi sâu vào kiểm tra chất lượng. Do đó ngành chức năng bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, cần kết hợp tuyên truyền để người dân nhận biết lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với sản xuất bền vững.
Ngũ Anh Tuấn