Mặc dù thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân nhận biết được đâu là MBH chất lượng và đâu là mũ "dỏm", mũ không phải là MBH, nhưng thực tế hiện nay tình trạng người đi mô tô, xe máy đội MBH không đạt tiêu chuẩn vẫn thường diễn ra. Trong khi đó, việc phân biệt MBH đạt tiêu chuẩn chất lượng và mũ không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với lực lượng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ cũng rất khó khăn. Bởi khi lực lượng giao thông yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra và xử lý thì phải có một khoảng cách nhất định để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và lực lượng làm nhiệm vụ, vì vậy nếu bằng mắt thường rất khó có thể quan sát từ xa đâu là MBH không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Lực lượng CSGT Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
xử lý người đội mũ bảo hiểm không đúng quy định.
Thượng tá Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-Công an Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Mặc dù đã có chủ trương xử phạt các trường hợp người đội mũ không phải MBH khi đi mô-tô, xe máy nhưng hiện nay lực lượng CSGT vẫn chưa xử phạt, mà chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nhận biết đầy đủ tác hại, cũng như nâng cao ý thức trong việc bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông. Việc xử phạt MBH dởm, mũ không phải MBH chỉ dựa trên các dấu hiệu bên ngoài mà không có căn cứ để khẳng định thì thiếu tính thuyết phục và khó thực hiện.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT-Công an tỉnh: Đội MBH không đảm bảo chất lượng không những không bảo vệ được an toàn mà còn gây nguy hiểm cho người đội khi xảy ra tai nạn bởi những mảnh vỡ của nó. Tuy nhiên thực trạng người dân đội MBH kém chất lượng vẫn còn diễn ra do ý thức chưa đầy đủ về việc đội MBH. Để xử lý triệt để tình trạng sử dụng MBH kém chất lượng thì phải xử lý từ gốc tại các cơ cở sản xuất, kinh doanh, chứ không chỉ xử phạt người dân.
Tại một số quầy hàng bán MBH trên địa bàn tỉnh ta, mặc dù không “chưng” MBH kém chất lượng lên kệ, nhưng khi “thượng đế” yêu cầu, các chủ hàng vẫn có hàng rẻ tiền để cung cấp với số lượng và chủng loại khá phong phú. Thậm chí có loại mũ, dù không đạt chuẩn bởi chỉ có giá 40.000-50.000 đồng nhưng vẫn được gắn tem có dấu hợp quy CR. Thậm chí, tại các chợ nông thôn có sạp hàng còn bày hẳn một “bộ sưu tập” MBH dởm và chào bán với giá thanh lý từ 50.000-70.000 đồng/chiếc.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 30 cơ sở lớn kinh doanh MBH, trong đó tập trung chủ yếu tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm với 17 cơ sở. Thời gian qua, thực hiện việc quản lý mặt hàng này, Chi cục đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 10 cơ sở. Tuy nhiên, qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về kinh doanh MBH kém chất lượng. Đoàn cũng đã lấy 3 mẫu MBH đi kiểm định tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đến nay chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Hữu Hoành, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn bởi tại một số cửa hàng, dù sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ không đạt chất lượng nhưng không thể lấy mẫu bởi theo quy định phải lấy 4-6 cái đồng nhất về số lô, ngày sản xuất, chủng loại, nhưng các cơ sở thường bán nhiều loại mũ khác nhau, mỗi loại chỉ có 2-3 mũ không đồng nhất số lô sản xuất, trong khi đó bằng mắt thường không thể phát hiện được mũ đạt chất lượng hay không. Mặt khác, trong quy định dán dấu hợp quy CR, đơn vị sản xuất được phép tự dán, tự in dấu; chưa kể nhiều trường hợp, tem chứng nhận hợp quy còn bị làm giả rất khó phát hiện.
Ông Hoành cho biết thêm, trong thực tế hiện nay, tâm lý người dân ham rẻ, chưa ý thức được việc đội MBH chất lượng là tự bảo vệ chính mình; người kinh doanh thường lén lút bán MBH kém chất lượng cho người dân có nhu cầu, nên bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý, phải kết hợp giải pháp tuyên truyền để người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của chính mình không kinh doanh hay mua hàng kém chất lượng nữa.
Anh Tuấn