Kiên quyết xóa tình trạng bao che, bảo kê tội phạm

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng nên toàn bộ các lực lượng chức năng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức để đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm
đã có những chuyển biến rõ rệt, nhất là sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, góp phần
vào phát triển KT-XH của đất nước. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 22/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố, sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về đấu tranh phòng, chống tội phạm dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có chuyển biến rõ rệt.

Theo đó, các lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm; đẩy mạnh công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã đầu thú…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, tính chất bạo lực của tội phạm có xu hướng gia tăng, hình thành các băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Một số tội phạm như trộm cắp, cố ý gây thương tích, đánh bạc, mại dâm… tăng. Các hành vi phạm tội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thất thoát lớn về tài sản nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp; yếu tố nước ngoài trong các vụ phạm tội gia tăng, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi; có sự móc ngoặc giữa các đối tượng trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, kể cả cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, với những đối tượng ngoài xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tội phạm và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về tội phạm hình sự, tỷ lệ điều tra, phá án đạt 75,58%; triệt phá gần 1.500 băng nhóm tội phạm các loại, trong đó có nhiều băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm.

Về tội phạm kinh tế và tham nhũng, số vụ bị phát hiện tăng gần 3,23% so với cùng kỳ năm 2013; điều tra làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng; phát hiện trên 6.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính gần 1.400 vụ và trên 4.500 cá nhân.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn cho biết, TANDTC xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết và xét xử các vụ án, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án tham nhũng; hạn chế tới mức thấp nhất việc trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản Nhà nước.

Đến nay, việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, án cải tạo không giam giữ về cơ bản có căn cứ pháp luật, chỉ có 48/11.126 trường hợp cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa án, chiếm 0,4%.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có những chuyển biến rõ rệt, nhất là sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, góp phần vào phát triển KT-XH của đất nước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác nắm tình hình của một số cơ quan chức năng còn lúng túng, để xảy ra một số vụ gây rối, làm mất an ninh trật tự, tổn thất kinh tế; hiệu quả phòng ngừa tội phạm vẫn tăng, nhất là tội phạm hình sự. Các loại tội phạm về tham nhũng, kinh tế, công nghệ cao còn phức tạp.

Toàn quốc còn 615 băng nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng nhóm xã hội đen, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân dân. Vì sao còn băng nhóm xã hội đen hoạt động, tình trạng này có phải do tồn tại tình trạng nể nang, bao che, bảo kê của cán bộ với đối tượng phạm tội? Có hiện tượng tội phạm móc nối với cán bộ, cơ quan chức năng để bao che, bảo kê cho hoạt động phạm tội.

Còn nhiều địa phương để tình hình phức tạp về công tác phòng chống tội phạm. Điều này phải xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể của địa phương, đơn vị trong công tác này. Tỷ lệ điều tra, phá án ở một số địa phương còn thấp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng chống tội phạm còn tính hình thức, hiệu quả chưa cao; quy chế thông tin báo cáo chưa kịp thời đầy đủ, chế độ xác định trách nhiệm chưa cụ thể...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao cho các lực lượng chức năng. Toàn bộ các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức để đấu tranh phòng, chống tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngoài ra, phải tổ chức các đợt cao điểm tấn công quyết liệt, triệt phá các băng nhóm xã hội đen. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong xã hội, nhất là trong thanh thiếu niên, hạn chế thấp nhất tội phạm vị thành niên...

Nguồn www.chinhphu.vn