Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Sứ giả quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Đại sứ trong vai trò của những Sứ giả quốc gia cần thực hiện phương châm nhất quán cái gì có lợi cho đất nước phải hết sức làm.

 Thủ tướng gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 22/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt với 29 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và 7 Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm và chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại các nước, các tổ chức quốc tế lớn.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa được bổ nhiệm; nhấn mạnh đây là một vinh dự, song trách nhiệm đặt ra cũng hết sức nặng nề trước đất nước, trước nhân dân.

Cho biết một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, từ những thành tựu khá toàn diện mà đất nước ta đạt được trên các lĩnh vực, lòng tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố; vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành ngoại giao.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu đề ra là phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu này, các nhiệm vụ được xác định là phải xây dựng nhà nước pháp quyền; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cùng với phát triển kinh tế, phải thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Đại sứ, trong vai trò của những sứ giả quốc gia cần thực hiện phương châm nhất quán là cái gì có lợi cho đất nước phải hết sức làm. Các Đại sứ cũng cần truyền tải mạnh mẽ thông điệp hòa bình, hữu nghị và phát triển của Việt Nam đến các nước, bạn bè và cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.

Theo đó, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước hết phải nắm rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực. Đặc biệt coi trọng hoạt động ngoại giao chính trị; tăng cường, làm sâu sắc hơn tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Việt Nam, nhất là lập trường chính nghĩa trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; hết sức quan tâm đến việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.

Cùng với đó là chú trọng đến hoạt động ngoại giao kinh tế, trước hết là tìm mọi cách mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư vào những ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; lưu ý thu hút vốn ODA, thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học- công nghệ, an ninh, quốc phòng giữa Việt Nam với các nước;…

Bên cạnh đó, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân, xây dựng các tổ chức để gắn kết kiều bào, hỗ trợ kiều bào làm ăn, sinh sống; giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam; hướng kiều bào về cội nguồn quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Nguồn www.chinhphu.vn