Phan Quốc Anh
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch
(NTO) Lễ hội tôn vinh những đặc sản của địa phương là những sự kiện mang nhiều ý nghĩa phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Đây là sự kiện kinh tế - văn hóa, vừa giới thiệu được sản phẩm, vừa là một hình thức quảng bá, thu hút việc xúc tiến đầu tư, quảng bá phát triển du lịch. Ở Việt Nam, các địa phương có sản phẩm đặc thù đều tổ chức các lễ hội. Có những lễ hội đã trở thành thương hiệu của địa phương và của cả nước như lễ hội chè Thái Nguyên, Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội trái cây Nam bộ v.v...
Tác phẩm “Niềm vui được mùa” của tác giả Tô Công Vinh (Ninh Thuận) đoạt giải Nhất
tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Ninh Thuận - Một vùng đất quyến rũ”.
Ninh Thuận là địa phương trồng nho lớn nhất và duy nhất của cả nước, trái nho vốn đã nổi tiếng từ lâu nhưng ít người biết đến. Lễ hội là dịp để Ninh Thuận quảng bá, giới thiệu một sản phẩm đặc thù là hai loại giống nho trái ăn tươi nổi tiếng của cả nước là giống nho đỏ (Red cardinal) và giống nho xanh (NH01-48). Những chùm nho tươi Ninh Thuận có thể bắt gặp khắp các chợ trên cả nước, là món ăn nhẹ trong các cuộc họp, là món ăn tráng miệng cuối bữa trong các nhà hàng, nhưng điều đáng nói là ít người biết đó là nho Ninh Thuận. Trong thực tế, nho Ninh Thuận đã từng bị đánh tráo thương hiệu như bị khoác lên nhãn mác nho ngoại. Trong khi, nho Ninh Thuận đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, đã đăng ký độc quyền 2 thương hiệu hàng hóa là “Nho Ninh Thuận” (chủ sở hữu là Hiệp hội nho Ninh Thuận) và “Nho Ba Mọi” (chủ sở hữu là cơ sở sản xuất, kinh doanh nho Ba Mọi). Lễ hội tôn vinh trái nho và vang Ninh Thuận, cũng nhằm mục đích để các thương lái không khoác nhãn hiệu khác cho nho Ninh Thuận.
Nho là một đặc sản đã được trồng lâu năm tại Ninh Thuận. Trái nho Ninh Thuận vừa to, có vị ngọt vừa phải và có nhiều dinh dưỡng. Trong hơn 10 năm qua, các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Khoa học và Công nghệ đã miệt mài nghiên cứu và áp dụng quy trình nho an toàn cho các hộ trồng nho. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các thương lái thường xuyên ép giá nên giá trị người trực tiếp trồng nho thu được chưa phải là giá trị thực của nó. Lễ hội là dịp tôn vinh giá trị kinh tế của nho Ninh Thuận, động viên người trồng nho và chế biến các sản phẩm sau nho, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững, củng cố thương hiệu Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận và nho Ninh Thuận. Lễ hội này nhằm đạt được mục đích tôn vinh giá trị cây nho và quảng bá giá trị kinh tế thực của nó, cũng là một điều kiện tốt cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những vùng trồng nho.
Nho Ninh Thuận - Món quà ý nghĩa của du khách. Ảnh: Văn Miên
Việc tổ chức Lễ hội Nho và Vang Quốc tế lần thứ nhất tại Ninh Thuận là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa xã hội. Đó là lễ hội kịp thời tôn vinh, biểu dương những nông dân, doanh nhân, những nhà khoa học đã miệt mài, cần mẫn trong việc nghiên cứu để tăng năng suất, sản lượng nho và chế biến các sản phẩm từ nho như mật nho, nho khô, mứt nho, vang nho tại vùng đất trồng nho duy nhất trên cả nước; Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho tỉnh nhà. Đồng thời, còn nhắm đến mục đích xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch đối với địa phương. Sản phẩm nho và vang không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng thông thường mà phải xây dựng nó trở thành sản phẩm du lịch, trở thành thương hiệu Ninh Thuận. Để làm sao, khi nói đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến nho và ngược lại.
Thông qua Lễ hội Nho và Vang quốc tế lần này, chắc chắn những ngành liên quan đến nho và vang như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ sẽ có những định hướng phát triển, những biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nhất là trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong các quy trình chọn lọc giống nho và quy trình trồng nho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Ninh Thuận cũng như tìm đầu ra của sản phẩm, giúp cho người trồng nho, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nho có thêm lòng tin trong quá trình tham gia mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và chất lượng nho. Trong Lễ hội này, sự tham gia của các thương hiệu vang nổi tiếng trên thế giới cũng là một cơ hội tốt để người trồng nho và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nho và các sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận cũng như của Việt Nam có dịp trao đổi học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong quá trình chọn lọc giống nho, quy trình canh tác chăm sóc nho, quy trình sản xuất, chế biến và phương thức giới thiệu quảng bá sản phẩm nho và vang nho trên thị trường trong và ngoài nước, thiết thực tăng hiệu quả kinh tế cho cây nho Ninh Thuận.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chuẩn bị các điểm đến phục vụ khách du lịch. Ngoài các làng nghề truyền thống như làng nghề gồm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, có một điểm đến khá quen thuộc với du khách là đi thăm vườn nho, xưởng sản xuất rượu vang Ba Mọi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (nằm trong tour du lịch thăm di tích tháp Poklong Garai). Điểm đáng chú ý là sản phẩm nho Ba Mọi đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và là sản phẩm nho Việt Nam duy nhất vào được các siêu thị lớn. Ngoài ra, điểm đến vườn nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cũng là một điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch đi Vĩnh Hy.
Năm 2012, Ninh Thuận đăng cai tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch dân tộc Chăm – Ninh Thuận 2012, được bình chọn là một trong mười sự kiện văn hóa trong năm. Năm 2013, Ninh Thuận đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Raglai, được đánh giá là Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai hoành tráng nhất từ trước đến nay. Năm 2014 này, Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Nho và Vang quốc tế lần thứ nhất - Ninh Thuận 2014. Hy vọng, Ninh Thuận sẽ có các ngày hội văn hóa dân tộc Chăm - Raglai, cũng như Lễ hội Nho và Vang quốc tế định kỳ hai hoặc ba năm một lần. Bởi vì tổ chức những sự kiện văn hóa như Lễ hội Nho và Vang quốc tế mang lại nhiều ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.