Ngoại tôi có 2 người con là liệt sỹ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi tôi sinh ra, đất nước đã hòa bình, tôi chỉ biết đến các cậu của mình qua tấm ảnh đặt trên bàn thờ và dòng chữ khắc trên bia mộ.
Ảnh minh họa.
Năm 8 tuổi, ba mẹ gửi tôi về sống với ngoại và từ đó cứ vào mỗi tháng 7 hàng năm, tôi lại được cùng bà đi viếng nghĩa trang liệt sỹ. Sau khi thắp nhang, dâng hương ở tượng đài, ngoại thường ngồi rất lâu bên 2 ngôi mộ của 2 cậu. Với ánh mắt trìu mến và ấm áp, bàn tay nhăn nheo của ngoại nhẹ nhàng, cẩn thận lau chùi từng nét chữ được khắc trên bia. Rồi ngoại thì thầm, kể cho các cậu nghe chuyện ruộng vườn năm nay được mùa; cây mít sau vườn nhà năm nay sai quả, con đường trước cửa nhà đã được đổ bê-tông, chuyện học hành của mấy chị em tôi… Thỉnh thoảng, ngoại im lặng, đưa tay áo chấm nhẹ lên đôi mắt đã đục mờ… Tôi biết, ngoại khóc!
Những buổi chiều tháng 7 như thế, hình ảnh tuổi thơ của 2 người cậu lại hiện ra trong trí tôi rõ mồn một. Bao nhiêu năm, ngoại tôi vẫn không quên những trò chơi ngày các cậu còn bé, những câu nói “bất hủ” ngây ngô của tuổi thơ, những món ăn, những trò nghịch dại… Giọng ngoại trầm ấm, thì thầm nhưng lúc nào cũng vậy, cứ kể đến đoạn các cậu trốn nhà đi kháng chiến, tiếng ngoại lại như nghe vang hơn, vừa như cố kìm nén vừa hiện rõ niềm tự hào. Những năm 60, ông ngoại tham gia hoạt động kháng chiến, vắng nhà biền biệt, một mình ngoại vừa tham gia sản xuất cùng hợp tác xã vừa chăm sóc, nuôi dạy 4 người con. Năm 1959, cậu Hai vừa tròn 18 tuổi, trốn nhà đi Thanh niên xung phong và phải đến mấy năm sau mới có tin tức. Ngoại kể, ngày nhận được thư cậu báo sắp được nghỉ phép về thăm nhà, ngoại “mừng run” cứ hồi hộp đứng ngồi không yên, đêm nào cũng thao thức mong ngóng cậu về… Nhưng, chiến tranh ác liệt đã cướp đi người con trai của ngoại! Cậu tôi đã hy sinh khi đường về với ngoại chỉ còn mấy chục cây số... Nén nỗi đau thương, ngoại tiễn người con trai thứ 2 vào bộ đội để rồi lại sống những ngày tháng thấp thỏm, đợi chờ. Và, 5 năm sau… một lần nữa, ngoại tôi lại gồng mình gánh chịu nỗi đau mất con!
Bao nhiêu năm trông ngóng mỏi mòn có lẽ đã làm đôi mắt ngoại mờ dần, lưng còng đi… nhưng những ký ức trong ngoại thì vẫn còn hiện rõ, để mỗi năm đến những ngày tháng 7, ngoại lại kể… Những câu chuyện đã được kể đi kể lại nhiều lần, tôi đã nghe như vậy không biết bao nhiêu lần nhưng lạ lùng thay, tôi vẫn luôn háo hức đợi những ngày tháng 7. Những câu chuyện ngoại kể dường như dài bất tận…
Những năm sau đó, tuổi cao, trí nhớ ngoại kém đi… nhưng câu chuyện về các cậu của tôi vẫn được ngoại kể nhiều. Ngoại không còn chỉ ra nghĩa trang vào tháng 7 mà nhiều lần trong năm hơn, thậm chí có những lần vừa ra nghĩa trang về ngoại đã quên mất lại nằng nặc đòi đi thăm các cậu. Rồi sức khỏe yếu dần, đôi chân ngoại không còn đủ sức… Tôi lớn lên, đi học xa nhà và cũng không còn được nghe những câu chuyện của ngoại. Nhưng… mỗi năm tháng 7 về, lòng tôi lại nôn nao nỗi nhớ… nhớ ngoại, nhớ như in những câu chuyện ngoại kể năm nào. Những câu chuyện dài dưới tượng đài liệt sỹ không có hồi kết…!
Bích Thủy