Chủ tịch nước tiếp xúc với doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Ngày 28-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua các dự luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Hoạt động thực thi pháp luật đã có tiến bộ nhiều so với trước, đơn cử là tiến độ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp đã nhanh hơn. Các bộ, ngành cũng đang rà soát để bỏ những quy định không phù hợp. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp từ cơ sở phản ánh kịp thời về những điểm bất hợp lý, góp phần xây dựng hệ thống chính sách vững mạnh hỗ trợ cho hoạt động kinh tế.

Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM, cho biết: Hơn 3.000 doanh nghiệp nhựa cả nước đang gặp khó khăn khi chưa chủ động được đầu vào. Hằng năm phải nhập 6 tỷ USD nguyên liệu trên toàn quốc. Các dây chuyền nhựa của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc do giá rẻ, cơ chế thanh toán dễ dàng và sử dụng nhiều lao động. Đây là hạn chế cần tính đến trong bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nhựa Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nêu ý kiến: Nửa đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận và hiệu quả giảm do cạnh tranh mạnh. Do nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may phần lớn từ Trung Quốc nên các DN cần phải khai thác lợi thế từ TPP và FTA với sự hỗ trợ từ chính sách khuyến khích của Nhà nước để tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ông Hàn Mai Chi, đại diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị cần có lãi suất công bằng cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội kim hoàn đá quý Thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề: Quản lý thị trường vàng có một số điểm không phù hợp. Đó là quy định các tổ chức tín dụng không cho vay với doanh nghiệp để kinh doanh vàng, trường hợp có cho vay phải do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, dẫn đến doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thiếu vốn, đình đốn hoạt động, mất lao động có nghề.

Cùng với đó, các ý kiến phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TPHCM, Hiệp hội Taxi, doanh nghiệp ngành cơ khí điện, da giày, chăn nuôi về các vấn đề lãi suất, thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, vốn vay hỗ trợ… đã được phản ánh đến Chủ tịch nước cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua để ổn định sản xuất.

Theo Chủ tịch nước, mặc dù còn khó khăn nhưng đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, tăng trưởng trở lại. TPHCM là một trung tâm lớn về kinh tế của đất nước, vì vậy, ngoài các chính sách chung, Thành phố cần mạnh dạn có các chính sách đột phá. Hiện tăng trưởng của Thành phố đã phục hồi, tuy nhiên cần phải trở lại đà tăng trưởng từ 12-14% để tiếp tục xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước.

Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp nên mạnh dạn phản ánh nếu có những chính sách không phù hợp thực tế, cùng với đó, bản thân doanh nghiệp cần năng động hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, bởi không thể cùng một đất nước, một cơ chế chính sách mà doanh nghiệp này làm ăn tốt trong khi doanh nghiệp kia lại không hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau, giúp nhau phát triển, làm sao để nền kinh tế Việt Nam chuyển từ gia công sang sản xuất, tự lực cao hơn, đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Nguồn www.chinhphu.vn