Có đủ bằng chứng việc tàu Trung Quốc đâm va, gây thiệt hại cho các tàu Việt Nam

Chiều 26/6 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo thường kỳ, chủ trì họp báo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Tham dự và trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế có: ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tàu hải giám 2168 của Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu
Cảnh sát biển 4032 của Việt Nam. Ảnh: Quang Vũ - Phóng viên TTXVN từ Hoàng Sa

Trả lời câu hỏi về việc phát ngôn gần đây của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã quấy rối và đi vào vùng tác nghiệp chủ quyền của Trung Quốc, chủ động tấn công các tàu của của Trung Quốc, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Việt Nam cực lực phản đối và bác bỏ thông tin của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/6/2014.

Ông Hà Lê cho biết: Lúc 9 giờ 30 phút, ngày 23/6/2014, tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương - 981 về phía Tây Nam 11,5 hải lý, khi tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ đã bị tàu kéo 284 và tàu Hải tuần 11 vây ép, phun vòi rồng, sau đó tàu kéo Hữu Liên 09 dùng tốc độ cao đâm vào mạn phải và tì, ép tàu Kiểm ngư 951 (với mục đích không cho tàu Kiểm Ngư -951 cơ động vòng tránh) để tàu kéo Tân Hải 285 đâm trực diện vào mạn trái, phá hỏng toàn bộ lan can, be mạn trái lún sâu 1 mét, boong trái bị rách dài 2 mét rộng 30cm; hư hỏng phòng y tế, một số phòng sinh hoạt, làm rơi 1 phao bè tự thổi và một số thiết bị khác.

Các đại biểu quốc tế tận mắt xem và chụp ảnh lỗ thủng của tàu cá
ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc tấn công gây ra. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn huy động khoảng 40 tàu cá vỏ sắt ra khu vực hạ đặt giàn khoan với sự hỗ trợ của các tàu Hải cảnh 46102 và 46106, không tiến hành khai thác hải sản mà thường xuyên cản trở, uy hiếp, chủ động đâm va các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 40 - 45 hải lý về phía Tây Tây Nam. Từ ngày 01/5/2014 đến nay, trong qua trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá của Việt Nam bị phía Trung Quốc uy hiếp hàng trăm lần; trong đó 17 tàu cá của Việt Nam đã bị các lực lượng chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc gây thiệt hại, làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.

Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng để chứng minh và khẳng định đến nay, chưa có bất kỳ một trường hợp nào tàu của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu của Trung Quốc mà hoàn toàn do phía Trung Quốc chủ động đâm va, gây thiệt hại cho các tàu Việt Nam, ông Hà Lê nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc khẳng định không đưa tàu chiến đến khu vực quanh giàn khoan Hải Dương- 981, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết, hàng ngày Trung Quốc vẫn duy trì từ 109 - 125 tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 - 6 tàu chiến hoạt động liên tục tại đây như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu quét mìn, tàu tên lửa tuần tiễn tấn công nhanh... Ngoài ra còn có, tàu chấp pháp gồm: hải cảnh, hải giám, ngư chính, tàu kéo và dịch vụ, tàu vận tải và tàu cá.

Trên không, Trung Quốc đã sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám, trinh sát, trực thăng bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 300 - 1500 mét để trinh sát, đe dọa, gây tâm lý căng thẳng cho lực lượng tàu Việt Nam.

Với phương thức thủ đoạn hoạt động, lực lượng bảo vệ Trung Quốc vẫn chia làm 3 vòng để bảo vệ giàn khoan. Các tàu ở vòng trong cũng thường xuyên cơ động thay đổi vị trí cho nhau. Các tàu ở vòng ngoài, trên các hướng luôn sử dụng từ 9 đến 12 tàu có tốc độ cao xen kẽ với các tàu kéo, cơ động, bám sát các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam ở khoảng cách từ 200- 300m, mở loa, hú còi, áp sát, chủ động đâm va, dùng súng phun nước vào các tàu của Việt Nam.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN