Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trước đó, trong các ngày từ 12 đến ngày 14/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trả lời bổ sung những vấn đề liên quan.
Quốc hội đã quyết nghị cơ bản tán thành những giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội, đồng thời cũng nêu rõ thêm một số yêu cầu đối với từng vị Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước
Với ngành Tài chính, Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách; hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Ngành Tài chính thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước; cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo các nhu cầu chi trong dự toán, tăng khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước; thực hiện chi ngân sách Nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm; bội chi chủ yếu dành cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân; bảo đảm quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính với vai trò của mình phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ tài sản của Nhà nước; đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đầu tư và doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Triển khai biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Đối với Bộ trưởng Bộ GDĐT, Quốc hội yêu cầu có biện pháp triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Cũng tại kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ GDĐT trình Quốc hội xem xét, quyết định Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ngành Giáo dục căn cứ vào kết quả dự báo lao động việc làm hằng năm để có định hướng cho hoạt động tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời tiếp tục rà soát, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan, nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục đại học vào nền nếp.
Bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp
Đây là yêu cầu Quốc hội đặt ra cho ngành Tư pháp. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải chỉ đạo ngành triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới theo hướng tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành; cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các quy định để cụ thể hóa Hiến pháp; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ trong việc thẩm định, kiểm tra quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật; Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành và tổ chức hướng dẫn, triển khai thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Trong năm 2014, có hướng dẫn thực hiện phòng, chống tham nhũng
Quốc hội yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân gắn với triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo ngành Thanh tra tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ nay đến hết năm 2014, chuẩn bị để trình Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện kết luận thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong quá trình xem xét, ra quyết định, kết luận, ngành Thanh tra phải bảo đảm sự công tâm, khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan có trách nhiệm để thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Nguồn www.chinhphu.vn