Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố, ông Trần Du Lịch đã báo cáo về kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII cũng như những hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh tại kỳ họp này.
Sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc (với 43 phiên họp toàn thể và 11 phiên họp tổ), với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đã tập trung dành thời gian thảo luận, xem xét, thông qua và quyết định nhiều nội dung quan trọng, những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 16 dự án luật.
ĐBQH Trần Du Lịch cũng cho biết, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước, nhất là phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đánh giá về phiên trả lời chất vấn, đa số các cử tri đồng tình, ủng hộ và hài lòng về phiên trả lời chất vấn. Nhiều ý kiến cử tri đánh giá cao câu hỏi chất vấn và trả lời của các thành viên Chính phủ và cho rằng, các đại biểu đã đưa lên nghị trường những vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm, thể hiện không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, góp phần giải toả những vấn đề bức xúc của cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện thân mật với các đại biểu
của Mặt trận Tổ quốc TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tại buổi tiếp xúc, đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu được đưa ra và tất cả các ý kiến đều xoay quanh vấn đề liên quan tới diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế, việc ban hành các hướng dẫn thi hành luật, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, vấn đề đổi mới giáo dục, bảo hiểm xã hội…
Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc một cách thẳng thắn và không nên né tránh. Trong khi chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thỏa thuận giữa 2 bên đã ký kết thì phía Trung Quốc đã làm gì? Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam còn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về máy móc hay nguyên phụ liệu, đại biểu Lê Kế Lâm cho rằng, chúng ta nên tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc ấy. “Trong lúc khó khăn, chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt, có đường lối chiến lược thông minh và mềm dẻo, tuy nhiên phải quyết liệt và quyết đoán. Ngày xưa, vua Lê Thánh Tôn đã từng nói với triều thần phải giữ cho được dù một thước núi, một tấc sông của ta, phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu ai dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”, Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Tấn Mẫm cho rằng, dư luận hiện nay bức xúc vô cùng khi phía Trung Quốc không những ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương-981 trong vùng chủ quyền biển của Việt Nam mà còn liên tục cho tàu đâm va vào tàu của lực lượng làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân nước ta. Những hành vi của Trung Quốc là những hành vi xâm lược trắng trợn. Đại biểu cũng nhấn mạnh, chúng ta cứ nói 2 nước láng giềng hữu nghị 16 chữ vàng, 4 tốt nhưng trên thực tế đã cho thấy, Trung Quốc đã làm gì?
“Tiếng nói của nhân dân là vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn vấn đề phức tạp trên Biển Đông hiện nay phải được đưa ra tòa án quốc tế giải quyết”, đại biểu Huỳnh Tấn Mẫn nhấn mạnh.
Vấn đề phức tạp trên Biển Đông hiện nay không chỉ người dân Việt Nam trong nước bức xúc mà bà con kiều bào ta đang sinh sống khắp nơi trên thế giới cũng đang đồng lòng hướng về Tổ quốc. Đại biểu Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh cho biết, kiều bào là cánh tay nối dài, luôn sát cánh cùng với nhân dân trong nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương – 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngòai cũng đã lên tiếng phản đối đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Cũng tại buổi tiếp xúc, các ý kiến còn cho rằng, Đảng và Nhà nước cần có chính sách cụ thể để trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta đủ sức và lực. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ đối với ngư dân và những người dân sống trên các đảo trong thời gian qua song chúng ta cũng cần tiếp tục có hỗ trợ thiết thực hơn nữa để giúp họ bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thu và làm rõ những ý kiến của đại biểu.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, đường lối của Đảng và Nhà nước trước sau như một luôn muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với bạn bè quốc tế trên tinh thần bình đẳng, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Từ đường lối này, chúng ta quan hệ với hầu hết các nước, các tổ chức tài chính, khẳng định rằng chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai. Có thể trong quá trình điều hành có những sai sót nhất định nhưng đường lối là thống nhất, nhờ vậy mà đất nước mới thay da đổi thịt. Chúng ta hướng về tương lai làm sâu sắc hơn đường lối này, hiện thực hóa nó để mang lại hiệu quả hơn cho đất nước.
Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, đây là mối quan hệ láng giềng hữu nghị từ lâu. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và làm hết sức mình để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc cũng phải làm như vậy.
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, những gì của chúng ta mà luật pháp quốc tế thừa nhận thì đó là của chúng ta và chúng ta có trách nhiệm gìn giữ nó. Chủ quyền của Tổ quốc là thiêng liêng, trước sau như một chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.
Trước vấn đề phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Chủ tịch nước đề nghị bà con hãy luôn bình tĩnh, kiên trì, chúng ta thận trọng, phải hành xử sao để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng không phương hại đến người khác. Chủ tịch nước cũng nhắc nhở bà con thận trọng, sáng suốt, không để bị ai kích động mà làm điều trái với quy định của pháp luật.
Còn các vấn đề khác mà đại biểu đề cập, Chủ tịch nước khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và trao đổi, kiến nghị với các cơ quan chức năng để triển khai phù hợp./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam