Đại diện Tổng cục Thống kê trả lời các câu hỏi của báo giới về số liệu thống kê
tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thanh Sơn
Phát biểu tại buổi Họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 của nước ta diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Một số nền kinh tế lớn, mặc dù có kỳ vọng tăng trưởng khá, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro như: Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và những yếu tố không bền vững trong chính sách tài chính công dài hạn của một số nền kinh tế phát triển; tình trạng bất ổn của các nền kinh tế mới nổi; phục hồi trong khu vực đồng Euro vẫn còn yếu...
Trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực: Sức mua trên thị trường thấp; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm... Trong đó, đáng chú ý là quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra thiếu đồng bộ và chưa thực sự có những bước đi hiệu quả...
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp và địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ. Sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của toàn quân và toàn dân, trong đó, có cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Đây là mức tăng GDP cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013. Cơ cấu nền kinh tế vẫn theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước…
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2000 - 2013, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy: Tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 9.093 doanh nghiệp FDI, trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 7.543 doanh nghiệp (chiếm 83%). Tổng số vốn của khu vực doanh nghiệp FDI sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm hết tháng 12/2013 là 3.411 nghìn tỷ đồng. Thống kê cũng cho thấy, năm 2013, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp FDI vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: Chỉ tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập ngoại nên giá trị gia tăng chưa cao; việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý doanh nghiệp của Việt Nam chưa được như kỳ vọng...
Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần làm hết sức mình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên yên tâm làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, đồng thời có thêm nhiều chính sách ưu đãi để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam