Phát huy lợi thế vùng
Khu vực duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, với chiều dài bờ biển hơn 1.400 km, chiếm gần một nửa tổng chiều dài bờ biển của cả nước. Với thế mạnh về kinh tế biển cùng hệ thống sông ngòi, đầm phá, đặc biệt là 2 ngư trường lớn Hoàng Sa và Trường Sa, hàng năm cung cấp nguồn hải sản phong phú, đa dạng. Hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và chiếm 5,07% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ngư dân Đà Nẵng tại Cảng cá Thọ Quang đan lưới giúp nhau chuẩn bị cho chuyến
vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Hiện các địa phương vùng duyên hải miền Trung đã thành lập 50 hợp tác xã nghề cá và 13 nghiệp đoàn nghề cá, trên 1.400 tổ, đội đoàn kết, sản xuất trên biển. Tuy nhiên, phương thức tổ chức đánh bắt của hơn 200.000 lao động nghề cá trong vùng thực hiện theo đánh bắt thủ công truyền thống… nên hiệu quả đánh bắt còn thấp. Bên cạnh đó, đã có 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản nhưng giá trị sản phẩm làm ra chưa cao. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cho rằng, nguyên nhân chính là do hầu hết tàu thuyền khai thác xa bờ đều bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng phương pháp truyền thống là sử dụng đá xay với thời gian ngắn, còn lại chỉ một số ít tàu câu mực sử dụng phương thức phơi khô và một số ít tàu lưới vây cá cơm sử dụng muối để bảo quản cá theo đơn đặt hàng của các chủ nậu, vựa.
Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa chỉ ra, hiện nay tồn tại lớn nhất trong khai thác xa bờ là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu vỏ gỗ của ngư dân quá thô sơ. Tuy đã có nhiều nghiên cứu cải tiến cách bảo quản nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả thi do không thể thay đổi kết cấu các hầm chứa trên tàu vỏ gỗ. Nhiều chủ tàu không cải tiến hầm bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm do lo ngại chi phí tăng. Thậm chí, sẽ còn rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá và đó là một trong những nguyên nhân không khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, hầu hết các tàu thuyền khai thác đều theo truyền thống truyền nghề theo hình thức “cha truyền con nối”. Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu không được đào tạo bài bản thì số lao động trong nghề thủy sản sẽ có nhiều hạn chế, yếu kém.
Xây dựng chiến lược lâu dài
Từ thực trạng của ngành thủy sản khu vực duyên hải miền Trung, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Trung có tiềm năng thủy sản lớn, giải pháp đặt ra là phải hướng cho du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước một cái nhìn rõ nét, cụ thể về tiềm năng thủy sản ở miền Trung. Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vươn xa hơn; đồng thời, thay đổi cách nuôi trồng thủy sản theo hướng chế biến thành đặc sản để thu hút, tạo đột phá phát triển. Ngoài chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cần đưa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cả trong lĩnh vực du lịch và thủy sản.
Để phát triển đội tàu vươn khơi, nhiều địa phương như Phú Yên, Khánh Hòa cũng kiến nghị về gói tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới cải hoán tàu thuyền, xúc tiến xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực chế biến và công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thủy sản Việt Nam. TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, nguồn tín dụng cấp cho ngư dân chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với việc họ tự vay mượn để đóng các phương tiện.
Nhiều địa phương cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là hỗ trợ trong đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển hiện nay chưa đáp ứng đúng với nhu cầu và nguyện vọng. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần tham mưu với Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu thuyền cả về thời hạn vay, lãi suất và thế chấp chính tài sản làm ra đó (tàu thuyền đóng mới) trong tương lai.
Đối với hệ thống hậu cần nghề cá, hiện Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ cho phép xây mới năm trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại cho ngư dân. Theo TS Trần Du Lịch, Bộ NN&PTNT nên trình xin Chính phủ cho đầu tư trước một trung tâm hậu cần nghề cá tại miền Trung, bao gồm tổng thể các hoạt động như khu neo đậu, nhà máy chế biến thủy sản, khu thương mại, đào tạo, huấn luyện nghề đánh bắt thủy sản…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của vùng như: tôm hùm, cá ngừ đại dương, sản phẩm thủy sản khô… nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản giá trị cao hơn để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN