Cựu binh Nguyễn Sinh nhớ về Trường Sa

(NTO) Được anh Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) giới thiệu, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Sinh để tìm hiểu về hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá bóp thương phẩm. Qua trò chuyện, chúng tôi biết được anh Sinh từng là người lính pháo binh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988.

Trước tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa các tàu quân sự liên tục gây hấn, tấn công vào các tàu chức năng, tàu cá của ngư dân Việt Nam, anh Sinh bồi hồi nhớ đến những ngày đầu mới ra đảo Trường Sa. Sau sự kiện trên đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988, tình hình Trường Sa rất căng thẳng, Trung Quốc tăng cường các tàu chiến có hỏa lực mạnh thường xuyên thăm dò, uy hiếp đảo. Là những tân binh, anh và đồng đội phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Văn Phương và sự dũng cảm của chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) trên đảo Gạc Ma luôn là nguồn động viên tinh thần, giúp anh có thêm sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ.

 
Anh Nguyễn Sinh, người lính Trường Sa năm xưa vẫn bám biển mưu sinh.

Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, anh Sinh đã cùng đồng đội phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Lúc ấy, nước ngọt rất khan hiếm, mỗi ngày người lính đảo như anh chỉ được phát 2 lít nước để sinh hoạt, còn rau xanh thì vô cùng thiếu thốn. Mỗi khi bão tố, sự sống và cái chết cận kề người lính đảo. Với anh, trận bão năm 1989 đã trở thành kỷ niệm theo suốt cuộc đời: Chiều hôm ấy, gió bão giật đến cấp 11-12, trong lúc ra nhà bếp lấy dầu, chuẩn bị đèn để tối đi tuần tra thì bất ngờ mái tôn của vọng trinh sát (cao khoảng 30m) bị gió quật thổi bay đập ngang lưng làm anh bị thương nặng.

Với anh, kỷ niệm về Trường Sa không chỉ là gian khổ, thiếu thốn mà còn có biết bao cảm xúc tuyệt vời về vẻ đẹp của biển đảo. Những buổi chiều tuần tra trên đảo, ngắm những đàn cá muôn màu sắc bơi lội tung tăng trên bãi san hô, nhìn thấy sức sống mãnh liệt của cây phong ba, bão táp giữa thiên nhiên khắc nghiệt… khiến anh càng thấy gắn kết với biển đảo hơn. Những giây phút cùng đồng đội quây quần bên nhau kể chuyện quê hương, cùng đọc những lá thư từ đất liền gửi đến, cùng gảy đàn ghi-ta, cất cao tiếng hát át cả tiếng sóng rì rào quanh đảo,…đã trở thành kỷ niệm mãi mãi không bao giờ phai trong anh.

Trở về cuộc sống đời thường, anh Sinh luôn phát huy tinh thần của người lính đảo, khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Hơn ai hết anh Sinh ý thức được giá trị kinh tế mà biển khơi mang lại. Vì vậy, anh đã gắn bó với nghề biển, tham gia đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện nay, tổ nuôi cá bóp thương phẩm của anh đang không ngừng phát triển về số lượng lồng bè cũng như số hộ tham gia nuôi trồng. Lúc thành lập chỉ có 7 hộ tham gia thì đến nay đã có đến 20 hộ, với tổng số gần 80 lồng đem lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng cho người nuôi trồng. Trong vai trò là một Tổ trưởng, anh cùng với ngư dân trong tổ luôn bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; cung cấp kịp thời những nguồn tin cho ngành chức năng giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Từng là người lính nên anh thấu hiểu được những nguy hiểm, khó khăn mà người những chiến sĩ trẻ hôm nay phải đối mặt, nhất là trong tình hình biển Đông đang ngày trở nên căng thẳng, các chiến sĩ phải ngày đêm bám biển đấu tranh đòi lại chủ quyền lãnh thổ, không ngại hy sinh, gian khổ. Anh Sinh khẳng định: “Tôi luôn tin tưởng vào những người lính đảo hôm nay sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, ngày đêm vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân chúng tôi luôn quyết tâm bám biển, là nguồn động viên, hậu phương vững chắc của những người lính tiền tiêu, một lòng hướng về biển, đảo thân yêu”.