Theo Thượng nghị sĩ Australia Scott Ryan, các bên ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thượng nghị sĩ Ryan nói rằng, Australia không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.
Giàn khoan Hải Dương-981 (Ảnh AP)
Australia kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm tình hình thêm căng thẳng và có các biện pháp để giảm căng thẳng. Các chính phủ cần làm rõ và thực hiện các tuyên bố về lãnh thổ cùng với các lợi ích về hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước đó, ngày 21/6 Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Trung Quốc và các quốc gia láng giềng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông một cách hòa bình và tránh làm leo thang căng thẳng. Ông Obama kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan duy trì khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải và thương mại”.
Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand John Key ở Nhà Trắng.
Chia sẻ quan điểm này, ông John Key nói rằng, quan điểm của Chính phủ New Zealand rất rõ ràng: Tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Điều này rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Các phương tiện truyền thông và báo chí quốc tế hôm qua tiếp tục đăng tải nhiều bài báo phê phán các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong số ra ngày 22/6, tờ Star của Malaysia đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase - chuyên gia ngành Chính trị quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, một cơ sở của Đại học Johns Hopkins của Mỹ về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng, đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát.
Giáo sư Arase nhấn mạnh, Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quốc phòng Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow cảnh báo Mỹ và các nước khu vực cần cảnh giác cao độ với việc Trung Quốc lập kế hoạch xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tờ New York Times dẫn lời chuyên gia Holly Morrow thuộc Trung tâm Khoa học và quốc tế Belfer ở Harvard nhận định, Trung Quốc sẽ khoan dầu ở cả vùng biển thuộc nước này và vùng biển các nước láng giềng để đánh lừa dư luận rằng hoạt động thăm dò của họ là bình thường.
Báo Inquirer của Philippines dẫn lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho rằng: “Hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc cho thấy nước này đang theo đuổi một kế hoạch hung hăng nhằm áp đặt đường chín đoạn trên Biển Đông”.
Điểm chung của các bài viết là cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng những bài viết công tâm, phản ánh đúng bản chất sự việc của các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới đã được phổ biến rộng rãi và làm lay động lương tri của cộng đồng quốc tế về tính chính nghĩa của Việt Nam.
Nguồn vov.vn