PGS.TS Phạm Đăng Phước phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng cho biết, hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” được tổ chức trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng bất thường, hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Hoạt động này nằm trong âm mưu nhằm thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”. Đây là một bước leo thang mới, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, có lợi cho Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trung Quốc còn đưa hơn 100 tàu các loại, trong đó có tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu đổ bộ… để bảo vệ cho hành động phi pháp này. Các tàu của Trung Quốc cố tình đâm va, phun vòi rồng vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trong vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn chủ động đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt cá trong ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động gây hấn, khiêu khích của Trung Quốc.
PGS.TS Phạm Đăng Phước cũng cho biết, hội thảo lần này có sự tham gia của nhiều học giả có uy tín, nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông đến từ nhiều nước. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm lớn của cộng đồng và bạn bè quốc tế đối với chủ đề của hội thảo.
“Rất nhiều tài liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý được lưu giữ cho đến nay đã chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ khi hai quần đảo này còn vô chủ và thực sự chiếm hữu, quản lý liên tục, hiệu quả đối với hai quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử, phát triển của dân tộc” - PGS.TS Phạm Đăng Phước nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ được nghe giới thiệu thêm về những tư liệu pháp lý, lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt, các đại biểu cũng sẽ tận mắt xem những tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm: “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách tời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ tập trung thảo luận về thực tế tranh chấp đối với hai quần đảo, các tác động đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đánh giá các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988; thảo luận về các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc xác lập, khẳng định chủ quyền và giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo sẽ diễn ra trong một ngày với hai phiên. Trong đó, tại phiên 1 với chủ đề: “Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực”, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận ở hai phần: phần 1: Khía cạnh chính trị, quân sự trong tranh chấp ở Biển Đông và phần 2: Hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh.
Trong khi đó, ở phiên 2 với chủ đề “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng có 2 phần gồm: phần 1: “Các bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; phần 2: “Giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, ngày 21/6, tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ khai mạc triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. Theo đó, triển lãm sẽ trưng bày các tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam