Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ hành nghề bắt ốc của phụ nữ ven đầm đơn giản chỉ là đôi dép cũ, sô đựng. Với những người cào ngao, đập hào thì có thêm chiếc muổng canh, dao chành. Từng tốp phụ nữ thi nhau cào xới, lật tung đất cát, nhặt nhạnh từng con ngao, con ốc… do nước triều kéo lên. Tất cả như hối hả, chạy đua với thời gian lên xuống của thủy triều.
Phụ nữ Đầm Nại tất bật mưu sinh.
Mưu sinh Đầm Nại là hoạt động diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, theo những người có thâm niên trong nghề, mùa hè chính là mùa “ăn nên làm ra” của họ. Bởi hè đến, ngao ốc chắc thịt, nước triều rút sâu tạo thành vùng “làm ăn” rộng lớn. Việc phân chia “lãnh thổ” cào xới, nhặt nhạnh ngao, ốc… vì thế cũng trở nên dễ dàng khi những năm gần đây lượng người đổ về đầm Nại kiếm kế sinh nhai ngày một nhiều.
Ngừng tay nhặt nhạnh những con ốc càng, chị Nguyễn Thị Mọi (thôn Tri Thủy 1, xã Tri Hải, Ninh Hải), có thâm niên gần 10 trong nghề, chia sẻ: Bắt ốc, cào ngao, hay đập hào… là việc làm không khó, chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt là người làm có thu nhập. Tuy nhiên, để bắt ngao được nhanh, được nhiều, người có kinh nghiệm thường không cào mà chủ yếu dùng phương pháp xịt (dùng dao, hoặc vật nhọn chọc vào tổ ngao trên mặt cát). Bởi xịt tốn ít sức, ngao thu được lại to nên giá thành cao hơn. Trung bình mỗi ngày, người làm chuyên nghiệp nhặt nhạnh từ 3-4 tiếng đồng hồ có thể bắt được từ 8-10kg ngao, 10-20kg ốc càng, 1,5 kg thịt hào. Với giá bán bình quân 10 ngàn/kg ngao, 4 ngàn kg ốc, 50 ngàn/kg hào, mỗi chị có thu nhập từ 70-80 ngàn đồng.
Mưu sinh Đầm Nại là nghề dựa hoàn toàn vào nước triều nên thời gian làm việc cũng như thu nhập của chị em không ổn định. Một ngày của họ thường bắt đầu khi thủy triều rút và kết thúc khi thủy triều lên. Những ngày nước rút muộn, việc bắt ốc, cào ngao được rời vào buổi tối, những ngày nước “chết” thì… ở nhà. Chia sẻ về cái nghề của mình, chị Mọi cho biết: “Để có hàng nhập cho “đối tác”, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt trên đầm. Ngày thủy triều rút muộn, không thể làm ban ngày thì chúng tôi chuyển sang ban đêm. Phận nữ, đêm hôm ra đầm cũng lo lắng, ái ngại, nhưng không làm thì không có hàng nhập cho khách nên mọi người cũng ráng. Gần chục năm lặn lội đêm hôm, đôi lần gặp sự cố tới hốt hoảng nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên mình luôn cố gắng vượt qua. Nghề nào nghiệp nấy, chỉ mong sức khỏe ổn định, lo cho 3 con ăn học là mình vui rồi”.
Nhờ Đầm Nại, nhiều phụ nữ có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cào ngao, bắt ốc… là nghề dựa vào sức bền, sự kiên trì của đôi tay nên không ít phụ nữ làm nghề này, đôi tay trở nên chai sần, chằng chéo vết thương do va chạm phải đá và vỏ ốc. “Khi ngâm lâu trong nước đôi tay trở nên yếu mềm, vỏ ngao, vỏ hào sắc bén nên người làm đứt tay là chuyện bình thường. Cào ngao, bắt ốc… dựa vào nước triều, bữa có bữa không nên chúng tôi cũng ái ngại lắm! Đôi lúc muốn chuyển nghề nhưng gia đình không ruộng, không vốn liếng nên đành chịu. Thôi thì gắng sức bám đầm, chắt chiu chút đỉnh nuôi 4 con ăn học, sau này ra trường có công ăn việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống chứ bươn chải theo ba mẹ thì bấp bênh, nhọc nhằn lắm”, chị Huỳnh Thị Hạnh (thôn Tri Thủy 1, xã Tri Hải, Ninh Hải) thật tình trải lòng mình.
Phạm Lâm-Hải Nam