Ninh Sơn: Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo bền vững

(NTO) Trong những năm qua, trên cơ sở tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW 21-5-2004 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”, các thành viên UBMTTQVN huyện Ninh Sơn đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động bà con nông dân làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Ủy ban MTTQVN huyện Ninh Sơn trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở địa phương.
Ảnh: Diễm My

Dựa vào điều kiện thực tế ở địa phương, nhiều năm qua, huyện Ninh Sơn đã phát triển và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế như: Mô hình 1 lúa, 2 bắp, (khu phố 1, 2 thị trấn Tân Sơn); mô hình hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò, dê, cừu sinh sản (xã Nhơn Sơn, Hòa sơn, Ma Nới) hướng nâng chất lượng tổng giống đàn gia súc và phát triển trang trại ở địa phương; mô hình thâm canh cây lúa (thôn Gia Hoa, xã Ma Nới) đã giúp cho đồng bào Raglai nắm bắt kỹ thuật trồng lúa nước, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.

Từ những kết quả ban đầu, UBMTTQVN huyện phối hợp các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng của huyện nhân rộng các mô hình này, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con chủ động phát triển sản xuất có hiệu quả, thực hiện giảm nghèo một cách bền vững. Xã Quảng Sơn với mô hình thâm canh mía giống mới K88-92, K99-72 cho năng suất bình quân đạt 90 tấn/ha; mô hình nuôi cá thát lát trong ao đất, tỷ lệ nuôi sống trên 70%, với kích cở thương phẩm ước đạt 0,3 – 0,35 kg/con; mô hình trồng măng tây xanh, nuôi cá lóc, cá trê tại xã Lương Sơn; mô hình nuôi heo đen; mô hình trồng nấm linh chi…; và nhiều mô hình khác cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Qua đó cho thấy, nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ hoạt động của phong trào thi đua do các thành viên UBMT huyện phát động: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến như hộ bà Nguyễn Thị Bé (thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn) với mô hình vườn cây ăn quả hơn 3 ha; ông Lưu Trọng Bộ (thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn) với mô hình nuôi bồ câu lai nhốt; ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn) và ông Lê Hồng Hà (thôn Đắc Nhơn 3, xã Nhơn Sơn) với mô hình nuôi bò và cừu vỗ béo… Đặc biệt trong đó, có anh Huỳnh Văn Cư, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; với bản chất cần cù, chịu khó, biết khai thác lợi thế tiềm năng đất đai, anh đang sở hữu 2 ha vườn sầu riêng hạt lép chuyên canh đầu tiên của huyện. Từ diện tích trồng cây hoa màu cho hiệu quả thấp, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang sầu riêng hạt lép giống Mỏm Thon của Thái Lan. Sau bao nhiêu năm vất vả chăm bón, đến nay, anh Huỳnh Văn Cư cùng với các nhà vườn ở xã Lâm Sơn đã góp phần đưa “Thương hiệu trái cây Sông Pha” đến với mọi miền đất nước.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã xác định mục tiêu trong thời gian tới là phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH. Trước hết là trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng liên tục và bền vững. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tạo bước chuyển biến về quy mô, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với giữ vững ổn định chính trị và TTAT xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Nhờ xác định rõ thế mạnh của huyện Ninh Sơn, năm 2013 vừa qua, nhân dân huyện Ninh Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo kinh tế ổn định. Trong đó, có 15/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất ước đạt 839,7 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng 11%; tỷ lệ hộ nghèo còn 19,08%; chính sách an sinh xã hội đảm bảo đúng, đủ và kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH, nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn huyện.

Năm 2014, huyện Ninh Sơn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ổn định từ 11% - 12%. Trong đó, nông-lâm-thủy sản tăng từ 5% đến 6%. Công nghiệp-xây dựng tăng từ 15% - 16%. Thương mại-dịch vụ tăng từ 16% -17%. Tổng sản lượng lương thực 58.000 tấn. Thu ngân sách trên địa bàn huyện 77,5 tỷ đồng. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,1%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 19,394%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%; giải quyết việc làm mới cho 2.000 lao động và đào tạo nghề cho 550 lao động. Hoàn thành công nhận 2 trường chuẩn Quốc gia; 2 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; phấn đấu tăng từ 3% - 5% dân số tham gia Bảo hiểm y tế. Giao quân đạt 100% với chỉ tiêu 150 quân; 100% xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng-an ninh.

Trong những năm tiếp theo, huyện Ninh Sơn tập trung phát triển kinh tế nông-lâm-thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả và bền vững. Đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với thị trường, phù hợp điều kiện của huyện và hướng phát triển của tỉnh. Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, gương điển hình nông dân sản xuất giỏi để chia sẻ, học tập kinh nghiệm, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xóa nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch để phát triển phù hợp. Quan tâm đến đào tạo, phát triển ngành, nghề nông thôn, từng bước chuyển dần một bộ phận lao động nông thôn sang sản xuất CN-TTCN, dịch vụ và du lịch. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn nhằm phục vụ đời sống thiết thực cho bà con nhân dân trong huyện.

Cùng với chính sách phát triển KT-XH đúng hướng, phù hợp với thực tế địa phương; tận dụng tối đa nguồn lực, tài nguyên sẵn có; các mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng với mục tiêu thay đổi nhận thức, tập quán cũ về chăn nuôi, trồng trọt, hướng đến người dân thích nghi với sản xuất trong nền kinh tế thị trường; cộng với sự nỗ lực, đoàn kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân; nhờ đó, mà đời sống của bà con nông dân và diện mạo mới huyện Ninh Sơn nay đã có những đổi thay đáng kể.