Chợ “lưu động” trên vùng cao Bác Ái

(NTO) Vượt qua những chặng đường dài vất vả, nhiều phụ nữ miền xuôi vẫn hàng ngày chở hàng hoá lên phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho hàng ngàn người dân vùng cao huyện Bác Ái.

Đến các chợ Ninh Bình, Song Mỹ (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn) vào sáng sớm, dễ bắt gặp hình ảnh những phụ nữ đang tất bật gom hàng, xếp đầy trong giỏ lớn, từ thịt, cá, rau, quả cho đến các đồ ăn, thức uống chế biến sẵn. Khởi hành từ khu chợ, họ lần lượt chạy xe máy theo quốc lộ 27B về các xóm làng xa xôi của huyện Bác Ái để bán.

Người dân thôn Chà Đung (xã Phước Thắng) mua thực phẩm của hàng “lưu động”.

Chúng tôi gọi những xe hàng của họ là chợ “lưu động” bởi họ không chỉ bày bán hàng ở điểm cố định trong khu dân cư mà còn dừng xe ở bất cứ nơi nào có khách mua dọc đường. Nếu như trước đây, người bán phải vất vả đem hàng đến tận nhà thì nay, chỉ cần dừng ở một điểm, dân làng sẽ tự tìm đến mua thứ hàng cần thiết. Bà Chamaléa Thị Phượng, thôn Đá Bàn, xã Phước Tiến, cho biết: Bây giờ bà con muốn mua gì cũng tiện, cứ 9h sáng có xe “lưu động” chạy qua nhà. Mình mua mớ rau, con cá không cần phải đi xa nữa.

Qua tìm hiểu, giá các mặt hàng ở đây chênh lệch không đáng kể, thậm chí ngang bằng giá bán dưới chợ miền xuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân miền núi, như: rau xanh chỉ 1.500 – 2.000 đồng/bó; các loại thịt, cá được cân, chia sẵn tuỳ theo khối lượng từ 8.000 – 10.000 đồng. Chợ “lưu động” cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống đa dạng, mang đến nhiều món hàng mà vùng cao chưa có như hải sản, một số loại rau, trái cây…làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của người dân miền núi. Bên cạnh các mặt hàng giá bình dân, không khó để mua được những thứ hàng ngon, đắt tiền, chỉ cần khách mua hẹn trước, người bán sẽ phục vụ tận nơi theo yêu cầu.

Theo chân người bán hàng, chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống mưu sinh khó nhọc từ nghề bán hàng lưu động. Hàng ngày, để đưa hàng đến được với người dân vùng cao, họ phải vượt qua nhiều đoạn đường dài, có khi đối mặt với nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Con đường gần 40 cây số từ huyện Ninh Sơn ngược lên xã miền núi Phước Bình có nhiều đoạn gập ghềnh đất đá, lên dốc, xuống đèo. Nhưng hơn 8 năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng, chị Trần Thị Hoa (khu phố 4, thị trấn Tân Sơn) vẫn đem hàng đều đặn lên các ngôi làng đồng bào Raglai, kịp thời cung ứng thực phẩm tươi cho bữa ăn các gia đình vùng cao. Chị nói như động viên cho công việc của mình: Buôn bán ở miền núi tuy vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy được an ủi khi san sẻ phần nào khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa. Hiểu rõ đời sống khó khăn của người dân, những người bán sẵn lòng cho bà con mua nợ cho đến mùa thu hoạch nương rẫy. Từ lâu, phương thức giao dịch truyền thống đổi hàng lấy hàng vẫn phổ biến ở bản làng vùng cao, người bản địa thường đem nông sản sẵn có để đổi lấy nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Họ thường xuyên trao đổi hàng hoá với những người miền xuôi, trở nên dạn dĩ hơn trong hoạt động giao thương, chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ như bắp, chuối, măng rừng... Qua nhiều năm, khách mua – người bán luôn duy trì mối quan hệ thân thiết, tình cảm gắn bó lâu dài dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Không chỉ là nghề mưu sinh của một bộ phận phụ nữ miền xuôi, chợ “lưu động” đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân Bác Ái, trở thành kênh tiêu thụ nông sản gắn kết giao thương giữa các vùng.