Trước câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về tiêu chí đánh giá hiệu quả xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng trên thế giới và cũng như tất cả các nước, không có nước nào đưa ra tiêu chí đánh giá chung về hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản cho quốc gia hay cho khu vực, mà hầu hết đều đánh giá tiêu chí hiệu quả theo dự án đầu tư, đó là việc chung.
“Khi làm Luật đầu tư công, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội có nêu vấn đề đánh giá hiệu quả thế nào. Chúng tôi đã phải mất rất nhiều công để giao cho các viện nghiên cứu cũng như các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu vấn đề này, cuối cùng đều đi đến điểm chung là tiêu chí đánh giá về xây dựng cơ bản là đánh giá theo dự án đầu tư. Còn tất nhiên nó có liên quan đến tác động, vùng tác động cho quốc gia” –Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng lấy ví dụ dự án xây dựng quốc lộ 1 mà Quốc hội đã nghị quyết bố trí trái phiếu Chính phủ thì ai cũng biết nếu làm quốc lộ này hoặc quốc lộ số 14 ở Tây Nguyên chắc chắn đem lại lợi ích. Còn lợi ích như thế nào thì lan tỏa, tác động rất nhiều chiều, người ta đánh giá theo dự án đó. Ví dụ làm công trình thủy lợi thì người chủ trương đầu tư đã nghiên cứu và quyết định cần làm thủy lợi này vì sao để phục vụ mục đích kinh tế, xã hội đến đâu và xuất đầu tư cho mỗi héc-ta, bao nhiêu và thời hạn thi công cũng như hoàn thành như thế nào. Tất cả những yếu tố kinh tế đó được tính trong báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án những nhóm A trở lên và những báo cáo đầu tư của những nhóm B trở xuống. Khi hoàn thành công trình, chúng ta sẽ đối chiếu lại xem dự án này có tăng tổng mức đầu tư không và tăng tại sao, có hợp lý không, xuất đầu tư có thay đổi không, đặc biệt những mục tiêu của những dự án đó có được thực hiện đúng không?
“Ở đây đánh giá hiệu quả đầu tư của một dự án công trình không chỉ là về kinh tế mà trong tiêu chí còn phải đánh giá, kể cả về mặt xã hội. Có nhiều dự án đầu tư về mặt kinh tế không hiệu quả, nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị cũng như đặc biệt về mặt xã hội thì người ta vẫn đầu tư. Ví dụ kéo điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thực tế EVN tính không hiệu quả được vì kéo rất tốn kém, lỗ rất nhiều, nhưng vì chính trị, vì đời sống nhân dân chúng ta vẫn làm. Kéo điện ra biển đảo vừa rồi lại bán giá bằng giá trong nước thì đương nhiên hiệu quả kinh tế xét về mặt dự án không thể đảm bảo nhưng về mặt xã hội chúng ta giải quyết được về quốc phòng, an ninh, cho nên hiệu quả dự án đánh giá trên các mặt như vậy” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm rõ thêm vấn đề phân bổ vốn cho khu trọng điểm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích thêm, thực ra đầu tư ở Việt Nam trong mấy năm gần đây giảm rất mạnh, bình quân 5 năm trước, từ năm 2005 – 2010 là 32% chi ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển, nhưng năm 2010 còn 21,6%; năm 2011 còn 20,9%; năm 2012 còn 19,9%; 2013 tụt hẳn xuống 17,9%; 2014 chỉ còn 16,2%.
“Chưa có quốc gia nào đang phát triển bố trí đầu tư phát triển thấp như Việt Nam, Trung Quốc đang bố trí 45%. Chúng tôi rất chia sẻ vì nợ công về rất nhiều vấn đề, cho nên Chính phủ phải cân nhắc rất nhiều để có thể tiết kiệm chi tiêu, vay nước ngoài để đầu tư phát triển. Tất cả đại biểu các địa phương đều thấy nhu cầu rất lớn và đặc biệt tồn đọng về các dự án dở dang từ nhiệm kỳ trước để lại rất lớn, cho nên vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1792, qua đó đã ngăn chặn kịp thời việc bố trí vốn dàn trải, không có vốn vẫn bố trí để gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đây là một quyết tâm rất mạnh của Chính phủ và được Quốc hội ủng hộ.
Còn ý kiến của đại biểu nói về vấn đề Chỉ thị 1792 thực hiện chưa nghiêm vẫn còn các địa phương bố trí điều chỉnh quy mô, phê duyệt dự án quá khả năng vốn v.v... gây nợ đọng xếp loại, điều đó là đúng. Tuy nhiên, tôi có thể nói đấy chỉ là những phần còn lại mà chúng ta chưa giải quyết triệt để thôi, còn từ khi Chỉ thị 1792 ra đời vào năm 2011 có thể nói từ kế hoạch của năm 2012, năm 2013, năm 2014 trở đi chúng ta đã thực hiện rất nghiêm chỉnh, Quốc hội đã chứng kiến tất cả các nguồn vốn phân bổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ đều phân bổ theo trung hạn và công khai danh mục trước Quốc hội” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Đề cập đến việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm rõ, tại kỳ họp tháng 10 năm 2011, Quốc hội đã thông qua toàn bộ danh sách các dự án và mức bố trí vốn cho tất cả các công trình, dự án, trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2012 – 2015. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua danh sách và mức bố trí vốn của trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2014 và 2016. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng dự án một theo tinh thần không cho một dự án mới nào và đều tập trung bố trí cho dự án để hoàn thành và điều này có tác động rất lớn.
Về bố trí vốn ngân sách, Chính phủ đã báo cho các địa phương trong trung hạn 3 năm 2013 – 2015 để các địa phương chủ động và hàng năm đều có bố trí việc này và Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm soát các dự án bố trí mới. Bộ KH&ĐT đã thẩm tra để các dự án nguồn vốn trung ương không được bố trí vượt quá khả năng vốn cho phép và không được tập trung hết trả nợ xây dựng cơ bản và hoàn thành công trình dở dang, chỉ những công trình đặc biệt quan trọng, đặc biệt cấp thiết mới được bố trí mới.
Bộ trưởng cho biết thêm, năm 2013, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo trước Quốc hội, gửi văn bản đến Quốc hội và báo cáo Thủ tướng là 96,5% số danh mục công trình dự án là tuân thủ theo Chỉ thị 1792 thuộc trung ương, vì năm 2012. Đến năm 2014 là 99,2% số vốn ngân sách trung ương được kiểm soát theo đúng Chỉ thị 1792 là không có chuyện bố trí dàn trải, còn phần để lại ở các địa phương thì chưa kiểm soát toàn bộ được, nhưng thường xuyên cho thanh tra, kiểm tra xuống các địa phương, thấy các địa phương cũng cơ bản thực hiện rất nghiêm chỉnh, có thể nói chúng ta đã dẹp được rất nhiều vấn đề này.
Tổng vốn nợ xây dựng cơ bản đến ngày 30/6/2013 về vốn ngân sách nhà nước còn 32.873 tỷ đồng của 14.674 dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách nhà nước, nhưng trong năm 2014 các địa phương đã bố trí 5.228,1 tỷ đồng để trả nợ phần này, nếu lấy 32.800 tỷ trừ đi 5.228 thì còn lại 27.600 tỷ, rất thấp. Có thể nói nằm trong tầm kiểm soát vì nợ xây dựng cơ bản này luân chuyển thường xuyên, nếu theo Luật ngân sách dưới 30% thì chúng ta khống chế được và thuộc tầm kiểm soát.
Về vốn trái phiếu Chính phủ, đến ngày 30/6/2013, tổng số nợ trái phiếu Chính phủ có cao hơn là 11.874 tỷ đồng của 1.330 dự án nợ, trong đó Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nợ 844 tỷ, còn lại các địa phương nợ./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam