Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vay mới trả nợ cũ không ảnh hưởng đến nợ công

Chiều ngày 10/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tập trung vào các vấn đề vấn đề "nóng" liên quan đến đầu tư công, quản lý đầu tư công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo toàn nền tài chính quốc gia.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính tại phiên chất vấn chiều ngày 10/6. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội đã lựa chọn tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề chính gồm: vấn đề tài chính (nợ xấu, nợ ngân sách); vấn đề quốc sách hàng đầu, giáo dục, đào tạo...; về đổi mới thể chế, cải cách thể chế; vấn đề khiếu nại khiếu kiện tồn đọng, những giải pháp cần thiết để thanh tra kiểm tra đấu tranh phòng, chống thất thoát lãng phí tiêu cực. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 4 vấn đề nóng cũng chính là 4 "món nợ" của nhà nước hiện nay.

Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày để chất vấn 5 thành viên Chính phủ: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Theo chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đã có 194 câu hỏi của 60 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở 37 đoàn ĐBQH gửi tới Chủ tịch nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị trưởng ngành chất vấn về các vấn đề nóng hiện nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tập trung vào 4 nội dung lớn mà Quốc hội đã lựa chọn.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong đó, nợ công là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm.

ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhắc lại, theo kế hoạch năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, số chi trả nợ công lên tới hơn 208 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 51% tổng số chi, tương ứng 26,7% tổng thu ngân sách theo dự toán năm 2014. Trong khi đó, số chi thường xuyên dự toán năm 2014 lên tới hơn 704 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 90% tổng thu cân đối dự toán. ĐB bày tỏ lo lắng “phần còn lại 10% tương đương 78 nghìn tỷ đồng làm sao đủ trả nợ, chưa kể còn phải dành 163 nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển?”.

ĐB Lê Thị Công chất vấn: “Trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu ngân sách thấp, xuất khẩu không thuận lợi, nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ và mối lo lớn nhất là khả năng trả nợ, nhưng theo Báo cáo của Bộ Tài chính nợ công vẫn trong ngưỡng đảm bảo an toàn. Xin Bộ trưởng cho biết, nợ công có thực sự an toàn không, giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?”

Đây cũng là vấn đề được ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. ĐB Huỳnh Nghĩa dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết: Tính đến ngày 31/12/2013 chỉ tiêu nợ công bằng 53,4% GDP, tuy nhiên qua phương tiện thông tin còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tỷ lệ này, trong đó, có ý kiến cho rằng chưa tính hết phần vốn vay của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh. Từ đó, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết đến nay tổng số nợ mà Chính phủ vay để cho vay lại và bảo lãnh cho danh nghiệp nhà nước là bao nhiêu? Có những khoản vay nào Chính phủ bảo lãnh vay nhưng khi đến hạn đáo nợ doanh nghiệp không trả được Chính phủ phải trả nợ thay hay vay đáo nợ không? Dự kiến tình hình sắp tới như thế nào?

ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về các khoản nợ của Vinashin, Vinaline mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh đã đến hạn đáo nợ phải trả? Chính phủ có trả nợ thay không?

Dù bày tỏ đồng tình với báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá nợ công đang ở mức an toàn nhưng ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: Điều đáng lo là chậm giải ngân vốn đầu tư cả ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ diễn ra khá thường xuyên, dự án đầu tư dở dang, không đồng bộ, kém hiệu quả, lãng phí vẫn chậm được khắc phục. ĐB đề nghị: Bộ trưởng cho biết vì sao chưa cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn lực đầu tư công cho phát triển theo vùng kinh tế thay cho vùng hành chính địa phương? Vì sao chưa xây dựng hệ thống tiêu chí xác định đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đầu tư công cũng như tiết kiệm chi tiêu để dự phòng cho tình huống bất ổn đặc biệt là tình hình biển Đông hiện nay? Đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giải pháp cụ thể thời gian tới như thế nào?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, nhìn về con số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Nhưng đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. “Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn” – Bộ trưởng khẳng định.

Về chỉ tiêu nợ công trên GDP, Bộ trưởng cho hay tỉ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm. Năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, 2012 là 50,8% và 2013 là 53,4% ở dưới mức theo quy định Nghị quyết của Quốc hội là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44,5%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì.

Về cơ cấu nợ công, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng. Theo cơ cấu nợ công hiện nay khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm.

Bộ trưởng cũng cho hay, cuối năm 2013, tỉ lệ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách vượt 25% nhưng phân tích sâu thì trong này có 10% vay đảo nợ (không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ), nên nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì chúng ta vẫn nằm mức 20-21%, dưới mức 25%.

Bộ trưởng khẳng định “Đại biểu Quốc hội sốt ruột là đúng nhưng nếu loại trừ yếu tố vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ đều nằm dưới 25% tức nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn vừa để phục vụ cho phát triển, vừa để đảo nợ nghĩa là thời gian vay tiếp theo phải dài hơn so với trước”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa, nợ công trên có tính cả khoản vay do bảo lãnh nợ của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước không? Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã bảo lãnh là được tính trong nợ công.

Về câu hỏi vay để đảo nợ tác động đến nợ công thế nào, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, nếu lãi thấp hơn thì ta còn được lợi. Nhìn chung vay để đảo nợ không ảnh hưởng nợ công”.

Theo Bộ trưởng, ngoài việc tái cơ cấu lại nợ công, thời gian tới Bộ cũng sẽ tiếp tục đánh giá, giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước - đó là vấn đề đại sự để phòng ngừa tối đa chống lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả.

Cũng trong phần trả lời chiều 10/6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời những chất vấn liên quan đến quản lý giá xăng dầu, giá điện; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam