Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ 220 xã đảo ven biển

Văn hóa của dân tộc Việt Nam gắn liền với trồng lúa nước và đánh bắt thủy sản, vì vậy vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam đại diện cho hàng triệu ngư dân cả nước có vị trí rất quan trọng.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong buổi làm việc với Hội nghề cá Việt Nam (thành viên của MTTQ Việt Nam) nhằm lắng nghe ý kiến của tổ chức đại diện cho 1,3 triệu ngư dân đang ngày đêm bám biển.

Thời gian qua, các cấp Hội nghề cá Việt Nam đã phát huy tốt vai trò đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông-ngư dân, tập hợp, đề xuất nhiều ý kiến lên các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nông-ngư dân và doanh nghiệp.

Trước tình hình hoạt động trên biển gặp nhiều khó khăn, rủi ro, nhất là khu vực biển Đông ngày càng phức tạp, các cấp Hội nghề cá Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, tổ chức và hậu cần dịch vụ với nhiều phương thức mang lại hiệu quả thiết thực như: Tổ chức đánh cá theo tổ, đội, tổ chức ngư đội khai thác hải sản xa bờ, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả. Nhiều tỉnh, hội cũng chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức quản lý cộng đồng đối với nghề cá ven bờ, tích cực tham gia cung ứng vật tư, nhiên liệu cho khai thác trên biển, tham gia hoạt động quản lý bến cá, cảng cá nhỏ có hiệu quả...

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 1/5 đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới ngư trường trọng điểm, truyền thống Hoàng Sa của ngư dân Việt Nam, gây thiệt hại lớn tới thu nhập của ngư dân.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc bày tỏ, trước yêu cầu ngư dân đẩy mạnh bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa bằng tàu sắt, tàu lớn thì các ngân hàng cần có cái nhìn đổi mới để đột phá khi tiếp xúc các hồ sơ xin vay vốn để đóng tàu của ngư dân. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đứng dưới góc độ ngư dân để đồng bộ trong công tác quản lý ngư dân bám biển hiệu quả hơn.

Hội nghề cá Việt Nam cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu thuyền 70% và 100% thân thể cho ngư dân đi khai thác xa bờ vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp đối với những trường hợp có hành động dũng cảm hỗ trợ cứu vớt, bảo vệ ngư dân khi hy sinh trên biển.

Cả nước hiện có gần 130.000 tàu thuyền cá các loại, có khoảng 10.000 tàu cá xa bờ của ngư dân thường xuyên ngoài khơi. Đây là sự hiện diện dân sự quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của nước ta.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, văn hóa của dân tộc Việt Nam gắn liền với trồng lúa nước và đánh bắt thủy sản, vì vậy vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam đại diện cho hàng triệu ngư dân cả nước có vị trí rất quan trọng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ 220 xã đảo ven biển sống bằng nghề đánh bắt thủy sản sớm để thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực khác của xã hội để góp phần thay đổi diện mạo những địa chỉ đang ngày đêm bám biển này.

Tại buổi làm việc, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã nêu một số gợi mở quan trọng liên quan đến cơ chế tín dụng đối với ngư dân khi vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội Nghề cá Việt Nam báo cáo định kỳ với MTTQ Việt Nam 3 tháng/lần về tình hình ngư dân cả nước. Đồng thời đồng ý về chủ trương đề nghị xin đổi tên của Hội Nghề cá Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn