Khát vọng làm giàu từ nghề truyền thống

(NTO) Chị Bá Thị Kim Bạch (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước) năm nay 29 tuổi nhưng đã là chủ sở hữu một xưởng dệt gồm 6 dàn máy dệt, tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Phước Hữu vốn là xã thuần nông, thu nhập chính của các hộ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác của địa phương còn ở quy mô nhỏ, sản xuất theo mùa vụ.

Chị Bá Thị Kim Bạch tại cơ sở sản xuất dệt của gia đình mình. Ảnh: Nguyễn Hiền

Cuộc sống gia đình chị Bạch mấy năm trước đây cũng khá chật vật, chỉ trông vào mấy sào ruộng và làm kinh tế phụ với số vốn nhỏ nên thu nhập chẳng đáng là bao. Nung nấu giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, lại nhận thấy nghề dệt là nghề đặc thù của dân tộc, vốn đang phát triển ở các địa phương khác, trong khi đó tại thôn mình sinh sống chưa có hộ nào phát triển nghề này nên chị Bạch đã bàn bạc cùng gia đình để quyết định đầu tư vốn lớn, mở cơ sở sản xuất dệt tại địa phương.

Nghĩ là làm, từ cuối năm 2011, với số vốn tích lũy cùng phần vay mượn từ gia đình, bạn bè, chị Bạch đã mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng để mua 6 dàn máy dệt rồi thuê thợ về lắp ráp. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm trong nghề dệt, máy móc mới lại hoạt động phức tạp nên các sản phẩm mới sản xuất ra không đạt chất lượng như ý. Nhưng với sự quyết tâm, không chịu đầu hàng trước những khó khăn, thách thức, chị Bạch đã dần tìm ra hướng tháo gỡ. Chị vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia vào sản xuất, đồng thời tuyển lựa được những người thợ lành nghề từ quê chồng (chồng chị là người gốc làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp) để giúp mình. Tới nay, sản phẩm do cơ sở chị làm ra đã có chỗ đứng trên thị trường, được đầu mối ở hầu hết các tỉnh vùng Tây Nguyên đặt hàng thường xuyên.

Sau hơn 2 năm hoạt động, cơ sở sản xuất của chị đã đi vào ổn định, mỗi ngày cho ra từ 60-70 sản phẩm, tương đương với giá trị từ 7-9 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, cơ sở dệt của chị Bá Thị Kim Bạch lãi hơn 160 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương (với mức lương chi trả bình quân 2,5 triệu đồng/ người/ tháng).