Nhìn trên bình diện chung, những năm qua tỉnh ta đã rất quyết liệt từ chỉ đạo đến đầu tư thực hiện nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm theo chuẩn mới. Chỉ tính trong năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống chỉ còn bình quân 9,19% với mức giảm 2,01%. Để đạt được kết quả đó cùng với công tác chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất để tiến đến thoát nghèo; tạo việc làm cho lao động nhất là lao động nông thôn, miền núi… Công tác an sinh xã hội đã được chú trọng đúng mức như hỗ trợ, sửa chữa, xây nhà cho các gia đình nghèo khó khăn về nhà ở; mua cấp trên 144.210 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số khu vực đặc biệt khó khăn…
Đại diện các ban ngành đoàn thể phường Kinh DInh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
trao nhà tình thương cho hộ bà Bùi Thị May ở khu phố 6. Ảnh: Thanh Long
Năm 2014 này, tỉnh ta tiếp tục thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất phải đạt cho được 2%, nghĩa là đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,19% với mục tiêu cụ thể cần vươn tới đó là: cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở các vùng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng, miền và các khu dân cư với nhau. Theo đó, để đạt mục tiêu đã nêu tỉnh đã có kế hoạch thực hiện với nguồn lực cần huy động đầu tư trên 399,38 tỷ đồng. Trong số này, tiếp tục đầu tư xây mới 1.836 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 37,8 tỷ đồng; đầu tư trên 51,17 tỷ đồng để mua BHYT cho người nghèo... chi trên 21,4 tỷ đồng mua BHYT cho hộ cận nghèo, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên 26 tỷ đồng, trợ cấp tiền điện 7,2 tỷ đồng… với mong muốn nhằm tạo ổn định cuộc sống để có thể vươn lên từng bước thoát nghèo cho các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, cũng rất khó đoán định được giảm nghèo thực chất với con số thống kê. Từ đầu năm đến nay tình hình hạn hán đã làm cho không ít hộ đã gặp khó khăn, càng khó khăn hơn và một số hộ cận nghèo rất có nguy cơ “xuống hạng” thành hộ nghèo. Mặt khác, cần phân định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để có hỗ trợ thỏa đáng. Nguồn hỗ trợ của Nhà nước sẽ trở nên “lãng phí” nếu đặt không đúng đối tượng thậm chí sẽ tạo sự ỷ lại, trông chờ và điều cũng đáng ngại là vô hình trung tạo nên sự mất công bằng giữa hộ phấn đấu thoát nghèo với hộ không muốn thoát nghèo để tiếp tục hưởng các chính sách “đặc ân” của Nhà nước. Theo chúng tôi cũng cần có nhìn nhận mới đối với hộ nghèo. Chỉ nên đầu tư đúng mức đối với những hộ thực sự cam kết bằng quyết tâm thoát nghèo thực sự, đồng thời cũng cần “khước từ” những người thiếu ý chí vươn lên. Riêng đối với những hộ không có điều kiện như mất sức lao động… cần có chính sách riêng để bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Giải bài toàn giảm nghèo bền vững không dễ nếu thiếu quyết tâm từ ngay những hộ nghèo, người nghèo và chính từ sự thờ ơ, chiếu lệ của ngành chức năng.
Tuấn Dũng