* Sự kiện:
- Ngày 7-6-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố sau khi thực dân Pháp lập “Chính phủ bù nhìn” tại Hà Nội.Tuyên bố nêu rõ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam “sẽ không thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào” và “sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy”.
- Ngày 7-6-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Từ Biên giới đến Điện Biên Phủ”, ký bút danh Đ.X., đăng báo Cứu quốc, số 2613. Bài báo đánh giá cao những thắng lợi của quân đội ta từ chiến thắng Biên giới (10-1950) đến chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954). Trận Biên giới đã làm cho cả nước Pháp xôn xao, còn trận Điện Biên Phủ đã làm cho cả thế giới xôn xao. Những thắng lợi của ta đã làm cho binh lính Pháp chán nản, hoang mang, nội bộ Pháp - Mỹ lục đục, tướng Nava bị cách chức. Bài báo cũng lưu ý chúng ta không được chủ quan khinh địch, tiếp tục vượt qua những khó khăn mới, nhiều Điện Biên Phủ mới đang chờ đợi chúng ta.
- Ngày 7-6-2006: Động thổ xây dựng cụm cảng container Trung tâm Sài Gòn. Lễ động thổ cụm cảng được tổ chức tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Cụm cảng nằm trên bờ Tây sông Soài Rạp, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 10km, trên tổng diện tích hơn 40 ha, với số vốn xây dựng khoảng 250 triệu USD. Với công suất xếp dỡ 1,5 triệu container loại 20 feet/năm, cảng container Trung tâm Sài Gòn tham gia việc khai thác ở 4 cầu cảng, 950m tuyến bến và được phép hoạt động như một cảng container quốc tế kết hợp công nghệ bốc xếp dỡ hiện đại… Cụm cảng container Trung tâm Sài Gòn được khánh thành ngày 30-1-2010.
- Ngày 7-6-2006: Công bố thành lập Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) nằm ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế với quy mô 27.100 ha, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bao gồm 5 khu chức năng chính: Khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, khu du lịch và khu cảng.Tại đây có cảng nước sâu Chân Mây với 130 m cầu cảng. Đây là cảng lớn và gần nhất trên hành lang Ðông - Tây với vịnh nước sâu rộng gần 20 km2 và kín gió, đủ cho tàu trọng tải từ 5.000 đến 70.000 tấn có thể cập bến. Hiện Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 34 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 36.500 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD.
* Nhân vật:
- Ngày 7-6-1939: Ngày mất nhà thơ Tản Đà. Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1889, quê ở làng Khê Thượng, nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ông là một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tác phẩm đầu tiên của ông được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng ở "Đông Dương tạp chí" vào năm 1915. Văn của Tản Đà từ khi ra mắt bạn đọc đã nổi tiếng, đến mức "Đông Dương tạp chí" phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông. Với những dòng thơ lãng mạn, ý tưởng đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Các tác phẩm chính: “Giấc mộng lớn”, “Giấc mộng con”, “Thề non nước”, “Đài gương truyện”, “Tản Đà xuân sắc”, “Liêu trai chí dị” (dịch)...
Theo TTXVN