Ông Vinod Anand cho rằng hành động của Trung Quốc nhằm thể hiện “sức mạnh quân sự” trong khu vực, với ý định ép buộc Việt Nam từ bỏ hoặc giảm tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu dầu khí thuộc quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc từ lâu đưa ra những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” vốn không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử, do đó không có nguyên tắc hoặc luật lệ quốc tế nào chấp nhận. Ông Vinod Anand nêu rõ Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược lâu dài ở cả biên giới trên bộ và trên biển để chiếm các vùng đất và vùng biển mà họ tự cho là của mình. Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chiến tranh pháp lý, chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông nhằm đạt mục đích và mục tiêu của họ.
Theo ông Vinod Anand, Ấn Độ và cộng đồng quốc tế lo ngại hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải ở khu vực này, khi hơn 50% tàu chở dầu đi qua Biển Đông và hơn 5.300 tỷ USD giá trị thương mại được lưu thông qua Biển Đông mỗi năm.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Roma về những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua, ông Andrea Margeletti (An-đrê-a Ma-ghê-lê-ti), Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Italy, cho rằng Việt Nam hiện đã trở thành một quyền lực tầm trung và mang tính khu vực, với những mối quan hệ ngày càng mở rộng ra phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vòng 15 năm qua và trở thành một quyền lực lớn về kinh tế, thứ vũ khí họ dựa vào đó để buộc không chỉ Việt Nam mà cả khu vực phải phụ thuộc mạnh mẽ vào họ. Điều này tác động không nhỏ đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng nếu như những năm trước, các tranh cãi hầu hết được giới hạn trên bàn đàm phán ngoại giao và các biện pháp gây áp lực nhằm tăng phụ thuộc về kinh tế, thì nay, với sức mạnh quân sự được tăng cường đáng kể, Bắc Kinh bắt đầu sử dụng chúng để đối đầu với tất cả những ai đang có tranh chấp với họ. Điều này tạo ra căng thẳng không chỉ với Việt Nam mà toàn khu vực.
Ông Margeletti cho rằng trong tương lai, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng sẽ là một khu vực có ý quan trọng đối với thế giới. Do đó, việc giải quyết các tranh chấp nói trên không chỉ bằng con đường ngoại giao giữa các nước tranh chấp, mà cần có sự can dự của nhiều bên.
* Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ngày 4-6, chuyên gia Juan Carlos Minghetti (Hoan Các-lốt Min-ghê-ti) thuộc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế và xã hội (CIEYS) của Argentina khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, điều cả tàu và máy bay quân sự tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứng tỏ Bắc Kinh tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua sức mạnh quân sự.
Ông Minghetti đưa ra nhận định trên trong buổi nói chuyện về Việt Nam tại Trung tâm hợp tác văn hóa “Floreal Gorini” (Phơ-lo-rê-an Gô-ri-ni) ở thủ đô Buenos Aires. Ông nhấn mạnh rằng cho dù Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Bắc Kinh cần phải tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng. Ông cũng bày tỏ hy vọng bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước.
Về phần mình, ông Eduardo R. Hernández (Ê-đu-ác-đô Éc-nan-đết), giảng viên của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Héctor P. Agosti (Ếch-tô A-gô-xti), khẳng định Trung Quốc đã có cách hành xử không đúng với Việt Nam trong vấn đề biển đảo, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán.
Ông Hernández đặc biệt nêu bật vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo quá trình đổi mới đất nước. Ông khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam có tầm nhìn rộng, lãnh đạo đất nước thu được những thành tựu to lớn. Cũng tại buổi nói chuyện, những người tham dự đã đặt ra cho các diễn giả những câu hỏi thể hiện sự quan tâm tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển thương mại của Việt Nam và đóng góp của báo chí trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Theo TTXVN