Thế giới tuần qua

1. Bất chấp những nỗ lực của Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành vi xâm phạm ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, đập phá gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26-5, tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đang khai thác trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) đeo bám,
ngăn cản quyết liệt tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ.

Trong một động thái liên quan, phát biểu trong buổi họp báo tại Thủ đô Tokyo (Tô-ki-ô), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga (Y.Xu-ga) khẳng định, việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam là hành động vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của ngư dân. Ông kêu gọi kiềm chế hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (I.Ô-nô-đê-ra) cho rằng, việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là một “vấn đề nghiêm trọng” và sự việc trên cần được công bố một cách đúng đắn với cộng đồng quốc tế. Tổng thống Philippines Benigno Aquino (B.A-ki-nô) bày tỏ những quan ngại sâu sắc tới những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Phát biểu tại Học viện Quân sự West Point, Tổng thống Barack Obama (B.Ô-ba-ma) đề cập về nhiều vấn đề trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên Biển Đông cũng như tại các khu vực khác, đồng thời cảnh báo: Mỹ đã sẵn sàng đáp trả “sự gây hấn” của Trung Quốc.

2. Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa diễn ra tại 28 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã gây chấn động khi các đảng cực hữu chống xu hướng nhất thể hóa châu Âu đã giành thắng lợi lớn.

Tại Pháp, đảng Mặt trận dân tộc (FN) cực hữu giành 25% số phiếu và 25 ghế. Ở Anh, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) chống hội nhập EU giành 27% số phiếu. Trên đất Đức, đảng được xem có xu hướng tân phát-xít Dân chủ quốc gia (NPD) cũng kiếm được 300 nghìn phiếu, đồng nghĩa với 1 ghế ở EP. Danmark (Đan Mạch), Austria (Áo), Hungary (Hung-ga-ri) và Greece (Hy Lạp) cũng chứng kiến nhiều kết quả đáng lưu ý…Tổng cộng các đảng cực hữu và ly khai đã giành được 140 ghế trên tổng số 751 ghế tại EP. Với một tương quan như vậy và lo ngại sự trỗi dậy của “làn sóng cực hữu” sẽ trở thành vật cản tương lai của khu vực, các nhà lãnh đạo của EU đã họp khẩn tại Bỉ xem xét lại ưu tiên chính sách của EU.