Thống kê của ILO cho thấy trong giai đoạn 1980 - 2011, thu nhập bình quân đầu người tại các nước đang phát triển như Việt Nam, Senegal và Tunisia tăng trung bình 3,3%/năm, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 1,8% ở các nước phát triển. Hiện cứ 10 lao động thì có 4 người thuộc tầng lớp "trung lưu mới" với thu nhập trên 4USD/ngày, cao gấp đôi so với hai thập kỷ trước. Tuy nhiên, khoảng 1,5 tỉ lao động - chiếm hơn một nửa lực lượng lao động tại những quốc gia đang phát triển - vẫn trong tình trạng bấp bênh về việc làm và không được bảo đảm các quyền lợi xã hội và 839 triệu trong số này, chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động, vẫn thu nhập dưới 2 USD/ngày. Dù sao, tỉ lệ này đã giảm mạnh so với mức hơn 1/2 tổng số lao động những năm 2000.
Báo cáo của ILO cũng khẳng định, các quốc gia đang phát triển đã giải quyết tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn các quốc gia phát triển, nhất là từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007. Khủng hoảng kinh tế đã khiến cho 30,6 triệu người thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp lên tới 199,8 triệu năm ngoái và dự đoán sẽ tăng lên 213 triệu vào năm 2019. Tỉ lệ thất nghiệp trung bình trên thế giới ở mức 6% và dự kiến sẽ duy trì đến năm 2017. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tỉ lệ này lại cao hơn, ở mức 8,5% trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp đã nhanh chóng giảm xuống mức 5,4% trước thời điểm khủng hoảng tại các nước đang phát triển.
Xu hướng di cư của lực lượng lao động trên thế giới cũng có sự thay đổi. Thống kê cho thấy, khoảng 231,5 triệu người đã di cư trong năm 2013 và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là điểm đến lý tưởng với 51% số người di cư đến EU. Tuy nhiên, lực lượng lao động di cư, nhất là số lao động trẻ có trình độ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển tìm kiếm cơ hội việc làm tăng lên đáng kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Trong 5 năm tới, lực lượng lao động thế giới sẽ được bổ sung thêm khoảng 213 triệu người, trong đó có 200 triệu ở các nước đang phát triển. ILO nhận định điều kiện làm việc ở các nước đang phát triển sẽ được cải thiện, giúp người lao động và gia đình của họ có mức sống trên mức nghèo khổ tương đương với tiêu chuẩn của Mỹ trong những năm tới. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 85% lực lượng lao động sống dưới mức này vào năm 2018.
Theo TTXVN