* Sự kiện:
- Ngày 24-5-1922: Bản “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp Thuộc địa” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại Hội đồng nghiên cứu vấn đề thuộc địa của Hội liên hiệp thuộc địa. Tuyên ngôn nêu rõ mục đích của Hội là tập hợp mọi người dân thuộc địa cư trú trên đất Pháp tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân trước dư luận, tuyên truyền giác ngộ nhân dân các thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Hội đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc và xây dựng quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp. Tuyên ngôn có đoạn viết: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp Thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy”.
Cuối cùng, Tuyên ngôn kêu gọi: “Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy, giai cấp tư sản nước các bạn định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn”. “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
- Ngày 24-5-1947: Khai mạc Hội nghị dân quân, du kích toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc. Hội nghị quyết định: các tổ chức dân quân tự vệ và du kích vốn là những tổ chức vũ trang quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng trước đây trở thành một bộ phận trong các lực lượng vũ trang nhà nước, do các cơ quan quân sự địa phương chỉ huy. Trong thư gửi Hội nghị, Hồ Chủ tịch khen ngợi và đánh giá cao vai trò của lực lượng dân quân, du kích, Người đã viết: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ động vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
- Ngày 24-5-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với ông Lê Văn Hiến về bản báo cáo sẽ trình bày trước Hội đồng Chính phủ do Người chuẩn bị. Trong nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại buổi gặp Bác trước ngày họp Hội đồng Chính phủ: “Trời càng về đêm càng mưa lớn. Chúng mình phải ở lại kéo dài câu chuyện với Cụ (Chủ tịch) trong lúc chờ đợi hết mưa. Cụ ân cần thăm hỏi gia đình của mọi người. Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình... Ý kiến các chú thế nào?”. Chúng mình cũng chỉ phì cười mà nói: “Thật là khó”, không thể có ý kiến gì khác. Cụ cười và nói tiếp: “Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo gia đình lớn đi vậy”.
* Nhân vật:
- Ngày 24-5-1944: Ngày mất của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1909 tại Lạng Sơn. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937, đồng chí trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Sau đó, đồng chí tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, chỉ đạo phong trào công nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí, Hòn Gai... và được cử làm Bí thư Xứ ủy.
- Ngày 24-5-1944, đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn. Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định kết nạp một lớp đảng viên mới lấy tên là “Lớp Hoàng Văn Thụ”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, hết lòng phục vụ nhân dân luôn đặt lợi ích của Đảng, nhân dân, của dân tộc lên trên hết.
Theo TTXVN