1. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị cấp cao châu Á (Đối thoại Shangri-La) năm 2014 diễn ra tại Singapore (Xinh-ga-po) lại được giới quan sát quốc tế đánh giá là “nóng bỏng nhất” trong suốt lịch sử 13 năm. Đã khép lại một tuần, nhưng thế giới vẫn chưa thôi bởi những dư âm nóng bỏng về quan tâm bảo đảm an ninh vùng biển và tự do hàng hải trên tuyến đường then chốt.
Hầu như tất cả các nước thông qua các bài phát biểu, tham luận hay thông qua các cuộc tiếp xúc song phương đều bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay trên Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản-các nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương đều lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hăm dọa, sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Đó không chỉ là lo ngại của các nước trong khối ASEAN, mà cả cộng đồng quốc tế nói chung đều lo ngại, bởi như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (Chắc Hây-gơ) đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những hành động làm khu vực Biển Đông thêm căng thẳng, như tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngăn chặn Philippines (Phi-líp-pin) tiếp cận bãi cạn Scarborough (Xca-bô-rốp). Một số học giả thì cho rằng thế giới không thể không có luật pháp. Bởi lẽ, việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế là trách nhiệm của mọi quốc gia trên thế giới.
Ông Bashar al-Assad đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Syria với 88,7% số phiếu ủng hộ.
Với tư cách là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ( Sin-dô A-bê) bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các nước thành viên ASEAN trong việc bảo đảm an ninh tại các khu vực biển và bầu trời, cũng như việc duy trì tự do hàng hải và tự do cho các chuyến bay trên không-chủ trương này của Nhật Bản đã giành được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có các nước thành viên ASEAN, cũng như lãnh đạo của Mỹ, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp.
Tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Brussels (Bỉ) hôm 4-6, với chủ đề chính là cuộc khủng hoảng Ukraina (U-crai-na) và quan hệ với Nga. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Biển Đông cũng khiến các nhà lãnh đạo G7 đặc biệt quan tâm lo ngại. Điều này được thể hiện trong thông báo chung tại Hội nghị. Tuyên bố nêu rõ: G7 phản đối bất kỳ bên nào đơn phương tìm cách tuyên bố chủ quyền thông qua hành động đe dọa, ép buộc hoặc dùng vũ lực. Tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong viêc giải quyết tranh chấp chủ quyền.
2. Ở Syria (Xi-ri), bất chấp sự phản đối của phe nổi dậy và phương Tây, đông đảo người dân nước này đã xếp hàng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên trong nửa thế kỷ qua. Trái với con số “ít ỏi” mà giới truyền thông phương Tây đưa ra nhằm gây nghi ngờ tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Tòa án Hiến pháp Syria cho biết, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử lần này ở mức hơn 73%. Đương kim Tổng thống Syria Al-Assad (An Át-xát) đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 sau khi giành được 88,7% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 3-6. Trong bối cảnh hiện nay, người dân Syria thấu hiểu hơn bao giờ hết giá trị của an ninh và ổn định. Việc quân đội Chính phủ Syria liên tiếp giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ chiến lược đã tạo thêm lòng tin trong dân chúng đối với chính quyền của Tổng thống A.Assad. Ông vẫn là người được trông đợi có đủ năng lực để đối phó với các nhóm nổi loạn và khủng bố, khôi phục an ninh, ổn định và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Syria trước bất kỳ âm mưu can thiệp và chia rẽ của các thế lực bên ngoài.
PV