Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình Gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế
đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng những ưu đãi nhất định từ các bên sản xuất tàu bay, tổ chức tín dụng quốc tế…Tuy nhiên, những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp cũng là vấn đề lớn cần phải lưu ý khi gia nhập.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Công ước và Nghị định thư có một số điều khoản trái và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước và Nghị định thư này. Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ,
báo cáo về Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư
về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày cho biết, mục tiêu cơ bản của Công ước và Nghị định thư Cape Town nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển bởi việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay trước đây không dễ dàng tiếp cận vì chi phí cao. Công ước và Nghị định thư đã xác lập một cơ chế pháp luật vững chắc thống nhất ở phạm vi quốc tế để bảo vệ các lợi ích, bảo lưu quyền sở hữu và quyền lợi của người cho thuê; khuyến khích việc cấp tín dụng, cho thuê và giảm các chi phí liên quan.
Công ước và Nghị định thư bảo đảm tốt hơn cho chủ nợ, người cho thuê khi rủi ro mất tài sản, tăng mức độ tín nhiệm đối với các khoản vay, thuê dẫn đến khả năng cho phép các tổ chức xuất khẩu tín dụng giảm chi phí đánh vào vốn vay thông qua cơ chế đăng ký quyền lợi quốc tế và các chế tài áp dụng thống nhất đối với thân tàu bay, động cơ tàu bay và trực thăng được hình thành trên cơ sở vay tín dụng để thuê, mua.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không thì đến năm 2020 tổng số tàu bay khoảng 140-150 chiếc và sở hữu chiếm khoảng 50%. Như vậy ngoài tàu bay thuê, thì việc vay vốn mua tàu bay và thế chấp bằng chính tàu bay đó cần một nguồn vốn rất lớn.
Việc được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi cho phép các hãng hàng không tăng cường được mức độ an toàn và hiệu quả khai thác đội tàu bay thế hệ mới, gia tăng được lợi nhuận. Hơn nữa, khi các nhà sản xuất tàu bay có được mức bán cao thì chi phí sau bán hàng cũng sẽ được giảm đáng kể khi thị trường được mở rộng.
Theo Tờ trình, việc Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là hết sức cần thiết, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức kinh tế của Việt Nam tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế trong việc phát triển đội tàu bay, nâng cao năng lực vận tải và khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thay mặt cơ quan thẩm tra việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town). Báo cáo thẩm tra đồng tình với tờ trình của Chủ tịch nước. Đồng thời khẳng định, việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch. Các hãng hàng không có trụ sở đăng ký tại Việt Nam được hưởng lợi khi tiến hành mua sắm tàu ba, vì có thể được giảm giá trực tiếp từ các hãng sản xuất tàu bay như: Boeing, Airbus hoặc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xuất khẩu (như Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ)
Ủy ban Đối ngoại nhận thấy việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town đã tuân thủ quy định của Hiến pháp và trình tự, thủ tục gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, có một số quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town trái với luật do Quốc hội ban hành như việc chuyển giao tài sản khi xảy ra sự kiện liên quan đến phá sản , thẩm quyền xét xử khiếu kiện trong giao dịch dân sự; hay việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...
Theo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, mặc dù Công ước và Nghị định thư Cape Town có một số quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nhưng các quy định này đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu, không trái với các nguyên tắc cơ bản về tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Cơ quan thẩm tra đề nghị trong thời gian tới cần cụ thể hóa các quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước như Luật hàng không, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự..., nhằm tạo điều kiện sớm đưa Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Trong buổi làm việc, đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư; Về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp; thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài; Về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác; Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước; mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước; Về giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam