Về mô hình Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện, Khoản 4, Điều 41 dự thảo Luật đưa ra hai mô hình Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Phương án 1: Tổ chức VKSND theo khu vực.
Phương án 2: Tổ chức VKSND tương ứng tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện, gọi tắt là VKSND cấp huyện.
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu cho rằng: Trong điều kiện cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan thi hành án vẫn giữ mô hình cấp huyện, để bảo đảm cho VKS “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra” theo yêu cầu cải cách tư pháp, giải quyết nhanh chóng, kịp thời khiếu nại, tố cáo về tư pháp, thì nên tiếp tục duy trì mô hình VKSND cấp huyện như hiện nay.
Đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) nêu rõ: Thực tế hiện nay có khoảng 2/3 khối lượng công việc của VKSND cấp huyện có liên quan đến cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cấp huyện. Điều này sẽ tác động ảnh hưởng tới công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, khó khăn cho việc thực hiện chủ trương, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Trong khi đó, nếu thành lập VKSND theo phương án 1 sẽ gây khó khăn cho người dân do khoảng cách về địa lý, do phải sát nhập nhiều đơn vị VKSND cấp huyện vào VKSND khu vực.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị: Ban soạn thảo cần làm rõ mô hình VKSND khu vực cụ thể như thế nào? VKSND khu vực khác với VKSND huyện như thế nào?. Việc thành lập như vậy sẽ có ưu điểm, nhược điểm gì và sẽ có những khó khăn, bất cập gì về tổ chức bộ máy, về trụ sở làm việc và có tác động như thế nào đối với người dân khi áp dụng mô hình Viện kiểm sát khu vực để nhân dân tiếp cận với các cơ quan bảo vệ pháp luật?
“Theo tôi, nếu không có sự tính toán kỹ sẽ dẫn đến lãng phí về trụ sở làm việc, phình to bộ máy tổ chức, trong khi yêu cầu của xã hội hiện nay cần tinh gọn bộ máy, đơn giản về thủ tục hành chính” - ĐB Giàng Thị Bình nói.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) lại cho rằng: Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND sơ thẩm khu vực là khâu đột phá của cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp từng bước hiện đại. Trong đó, có nhiều ưu điểm như: Tập trung nguồn lực, đầu tư tập trung, không dàn trải, tiết kiệm ngân sách nhà nước, không tăng biên chế, không phải xây dựng trụ sở mới...
Trước một số ý kiến còn băn khoăn cho rằng, thành lập tòa án sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực sẽ tách rời sự lãnh đạo của Đảng, không chịu sự giám sát của cơ quan dân cử, khó khăn cho người dân khi tiếp cận với tòa án, Viện kiểm sát... ĐB Phạm Hồng Phong nêu rõ: Lãnh đạo Viện kiểm sát cũng như tòa án phải đều tham gia vào các cấp ủy hay thường trực cấp ủy, mà theo Viện kiểm sát và tòa án là công cụ của Đảng bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ tách rời sự lãnh đạo của Đảng.
Về giám sát của cơ quan dân cử, hoạt động của Viện kiểm sát và TAND tỉnh, VKSND khu vực cũng như TAND tỉnh và TAND sơ thẩm khu vực chịu sự giám sát của HĐND tỉnh, VKSND tỉnh phải báo cáo công tác của VKSND tỉnh và các VKSND khu vực, phải trả lời chất vấn trước kỳ họp.
Đối với người dân, hiện nay, hệ thống phương tiện giao thông công cộng, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhất là các quy định ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi có địa bàn rộng, ĐB Phạm Hồng Phong đề xuất, trước mắt, trụ sở cũ của Viện kiểm sát cũng như Tòa án được giữ lại làm nơi tiếp dân và xử lý những tin báo tố giác tội phạm, cũng như Tòa án là nơi tiếp nhận đơn, thụ lý đơn và cũng là nơi giải quyết các vụ án trên địa bàn huyện xảy ra.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy, vì cán bộ nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì mới xảy ra oan và sai.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh), quan trọng là Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người, trong Hiến pháp quy định Viện kiểm sát phải chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định, đấy là tính kịp thời. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác tư pháp, không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất, mà phải cải cách con người, cải cách lương tâm và cải cách trách nhiệm, kinh phí phải tập trung vào việc này. Tập trung vào cải cách con người làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên độc lập, chỉ làm theo pháp luật. Muốn độc lập phải có cơ chế pháp lý chặt chẽ, không có sơ hở, phải tạo điều kiện cho họ về chế độ, chính sách, lương bổng thỏa đáng... - ĐB Đỗ Văn Đương lưu ý./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam