Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 6 dự án Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 4/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường. Trong phiên làm việc này, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 6 dự án Luật gồm: Dự án luật Đầu tư sửa đổi; Dự án Luật Căn cước công dân, Dự án Luật Hộ tịch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Bên cạnh sự cần thiết phải ban hành sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, các Dự Luật này được rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Điểm mới của 3 Dự án Luật Căn cước công dân, Dự án Luật Hộ tịch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thống nhất trong các luật liên quan.

 

Các đại biểu làm việc tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Tờ trình của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng, Trần Đại Quang trình bày, Dự án Luật Căn cước công dân bao gồm 5 chương, 36 điều. Một trong những lý do để xây dựng Luật Căn cước công dân là trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng trên thế giới. Trong khi đó, kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý CMND còn lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Hình thức, nội dung của giấy tờ về căn cước công dân chưa phù hợp với quy định của nhiều nước trên thế giới.

Vì vậy, cần quy định việc sử dụng thẻ cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Xây dựng Luật Căn cước công dân để thực hiện các đòi hỏi này cùng với yêu cầu bảo đảm sự đồng bộ với pháp luật về hộ tịch, cư trú, dữ liệu quốc gia về dân cư với trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân đơn giản, thuận tiện, không phiền hà. Dự án Luật Căn cước công dân tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý căn cước công dân; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ tùy thân của công dân.

Tờ trình dự án Luật Căn cước công dân đánh giá, thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý Chứng minh nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước; cơ sở dữ liệu Chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ Công an.

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân cho đến nay còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đặt ra các yêu cầu mới. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này. Đồng thời, cần quy định việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá hoạt động quản lý căn cước công dân mới được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân. Việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân là cần thiết để luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, có hiệu quả và thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang trình bày dự án luật. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Về bố cục của dự thảo Luật Căn cước công dân, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, theo Đề án 896, vấn đề trọng tâm là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu dùng chung cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật Căn cước công dân quy định nội dung này còn đơn giản, thiếu cụ thể, mới chỉ đề cập đến thông tin, tài liệu được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Điều 10 dự thảo Luật là chưa hợp lý. Do đó, đề nghị nghiên cứu xây dựng một chương riêng về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có ý kiến về các nội dung: Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và mối quan hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số định danh cá nhân; thẻ căn cước công dân; lệ phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Dự thảo Luật Hộ tịch gồm 7 chương, 76 điều. Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Hộ tịch nêu rõ việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đặc biệt, trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân .

Bên cạnh vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian quan đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó nổi lên là chất lượng công tác đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn nhiều sai sót, nhất là tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng; hiệu quả công tác quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân; công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ hộ tịch tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch; phương thức đăng ký hộ tịch còn mang tính thủ công… Những bất cập, hạn chế, yếu kém này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; làm giảm hiệu quả quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội. Trên phương diện quốc tế, trong nhiều trường hợp, giấy tờ hộ tịch chưa có sự tin cậy cao đối với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; một số nước chưa tin tưởng giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự thảo Luật Hộ tịch quy định các vấn đề về hộ tịch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân (như nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch...). Luật Hộ tịch không quy định lại nội dung các quyền nhân thân của cá nhân gắn với hộ tịch (như quyền được khai sinh, quyền có quốc tịch, quyền xác định lại dân tộc, quyền kết hôn, quyền nuôi con nuôi…) đã được các luật khác quy định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không quy định thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi quốc tế, là những vấn đề tuy có liên quan đến hộ tịch, nhưng đòi hỏi quy trình giải quyết đặc biệt hơn và đã được Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh.

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Hộ tịch, Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật và nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật Hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật Căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Đề án 896, góp phần bảo đảm thực hiện được mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật Hộ tịch.

Ủy ban Pháp luật cũng đã nêu quan điểm về nội dung: duy trì việc cấp Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn và mối quan hệ giữa việc cấp Giấy khai sinh với Thẻ căn cước công dân (theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân); thẩm quyền đăng ký hộ tịch; lệ phí hộ tịch; sổ hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; việc cấp trích lục hộ tịch; công chức tư pháp - hộ tịch...

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, Chính phủ khẳng định việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách. Đến nay, nhiều người trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm và cư trú ở nước ngoài, nên việc lựa chọn giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại của họ, là vấn đề khó khăn, vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ.. Mặt khác, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định của Chính phủ chưa có quy định gắn kết cụ thể, tạo sự liên thông giữa thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, chưa bảo đảm lợi ích thiết thực cho người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các Bộ liên quan còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giữ quốc tịch đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có chưa hiệu quả. Trong khi đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Về nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thời gian qua, một số ý kiến thành viên của Ủy ban Pháp luật cho rằng Tờ trình của Chính phủ chưa có sự đánh giá toàn diện, còn thiếu các số liệu cụ thể về tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và dự báo khả năng có thể xảy ra nếu tiếp tục giữ quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Do vậy, chưa cung cấp đầy đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, lựa chọn phương hướng xử lý cho giai đoạn sắp tới.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ đồng bào ta vào thời điểm ngày 01/7/2014 (05 năm sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực), nên căn cứ vào Điều 78 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn nói trên.

Cũng trong chiều 4/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình của Chính phủ, nêu rõ: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 được Quốc hội thông qua năm 2008 đã được Bộ Quốc phòng nghiêm túc tổ chức triển khai.

Sau 15 năm thực hiện, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục. Từ thực tiễn trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Cũng trong phiên họp chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đã trình bày dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và các Báo cáo thẩm tra.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam