Thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng nên giao cho Bộ Quốc phòng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 4/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Góp ý về quy định Nhà chức trách hàng không, nhiều đại biểu cho rằng, trong hệ thống pháp luật nước ta đang có những quy định khác nhau về vấn đề này. Cụ thể tại Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg ngày 16/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định "Nhà chức trách hàng không" của Việt Nam là Cục Hàng không Việt Nam. Còn trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản lại xác định là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có văn bản xác định là Cục Hàng không Việt Nam hoặc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được chỉ định.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, vì cho rằng quy định như vậy là đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu đặc thù của ngành hàng không dân dụng. Quy định như vậy thực chất là luật hóa quy định hiện hành tại Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng phù hợp với đa số điều ước quốc tế song phương về hàng không dân dụng giữa Việt Nam với một số nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là “Nhà chức trách hàng không". Cũng có ý kiến khác cho rằng "Nhà chức trách hàng không" là quy định nhằm chỉ cơ quan hoặc cá nhân được Nhà nước trao thẩm quyền về hàng không, do đó, việc quy định cứng nhắc một chủ thể cụ thể, duy nhất là nhà chức trách hàng không như trong dự thảo Luật là không phù hợp.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam là cần thiết, nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành hàng không cho phù hợp với các công ước và cam kết quốc tế, cũng như phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, để dự thảo Luật dễ thực hiện và đi vào cuộc sống, các đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ một số khai niệm, từ ngữ; quy định chặt chẽ các điều khoản liên quan tới an ninh hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng và thanh tra hàng không…

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là vấn đề an ninh hàng không. Nhiều đại biểu cho rằng, trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố, nhất là khủng bố hàng không ngày càng tinh vi thì an ninh hàng không cần phải được siết chặt.

Dự thảo Luật quy định "Bộ Giao thông vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng’’. Tuy nhiên, đa số đại biểu không tán thành với điều này vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn… Do đó, các đại biểu đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) bày tỏ quan điểm: “Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức, giao cho Quân chủng phòng không không quân chủ trì, phối hợp với các quân khu, đơn vị toàn quân để quản lý hoạt động bay. Vì vậy việc quản lý sân bay chuyên dụng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Điều 49 như sau; Bộ Quốc phòng quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng, khi các đơn vị có nhu cầu phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất bằng văn bản với Bộ Quốc phòng.”

Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh), Phan Văn Trường (Thái Nguyên) cũng cho rằng, việc quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng cần phải nhìn nhận về bản chất của sự việc là sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, chứ không phải là kinh tế, quốc phòng; ở đây phải đặt yếu tố quốc phòng lên hàng đầu, nếu giao cho Bộ Giao thông vận tải thì sẽ làm giảm tính chủ động với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước.

Cũng liên quan tới an ninh hàng không, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ tính chất của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là lực lượng của cơ quan nhà nước hay của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị giao cho một doanh nghiệp độc lập thực hiện nhiệm vụ này để tăng cường xã hội hóa trong ngành hàng không. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) và nhiều ý kiến góp ý đề nghị lực lượng kiểm soát an ninh hàng không thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xử lý các tình huống, đồng thời lực lượng này cũng là bộ mặt quốc gia nên cần được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện chặt chẽ.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “An ninh hàng không hết sức quan trọng. Trong Luật cũng đã đề cập nhiều nội dung cụ thể nhưng tôi đề nghị lực lượng này cần được lựa chọn, huấn luyện, tinh thông nghiệp vụ vì đây là bộ mặt quốc gia. Có những vấn đề gì xảy ra thì lực lượng này là lực lượng nòng cốt bảo vệ sân bay. Vì vậy, tôi đề nghị giao lực lượng này cho Bộ Giao thông vận tải chứ không phải doanh nghiệp hay cơ quan nào.”

Về quản lý giá hàng không nội địa, đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc áp dụng khung giá độc quyền là không cần thiết, nên để thị trường quyết định theo quy luật cung - cầu, áp dụng cơ chế thị trường, bỏ giá trần với hàng không nội địa.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề nghị: Quốc hội cân nhắc quy định này để tạo điều kiện có lợi hơn, thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách và người tiêu dùng.

Ngoài các nội dung trên, tại phiên làm việc, các đại biểu còn cho ý kiến về việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; Cảng vụ hàng không; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; đảm bảo hoạt động bay; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh; thanh tra hàng không…

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam