Và việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, cả máy bay đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan và các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những việc làm trên của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đại sứ nêu những cơ sở pháp lý, lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Xuất phát từ chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đi vào đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt. Đại sứ đề nghị Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman cảm ơn Phái đoàn Việt Nam chia sẻ, cập nhật thông tin, hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở Biển Đông. Ông Phó Tổng thư ký chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của Biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế.
Nguồn Chinhphu.vn