Quốc hội thảo luận Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, chiều 3/6 các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Trong buổi làm việc, đã có 21 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân, nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp; Về tổ chức Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm; Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; Về quản lý Tòa án nhân dân; quản lý Hội thẩm nhân dân; Về nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao; Về hiệu lực quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự; Về các ngạch Thẩm phán; điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán và Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Về nhiệm kỳ của Thẩm phán; tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán…

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng Dự án Luật phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của Dự án Luật. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, (đoàn Phú Thọ) cho rằng: "Về chức năng nhiệm vụ của toà án nhân dân thể hiện trong Điều 2 khoản 2 quy định chức năng nhiệm vụ của toà án nhân dân khi thực hiện quyền tư pháp, tôi đề nghị bổ sung thêm một nhiệm vụ quan trọng của toà án, đó là việc tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong quá trình xét xử toà án phát hiện thấy có đủ cơ sở có bỏ lọt tội phạm, và đây cũng là nhiệm vụ được quy định trong Luật tố tụng hình sự cần được chính thức hoá trong luật Toà án.

Một số đại biểu cũng đề nghị, Luật cần tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, cũng như đảm bảo được nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử. Theo Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Sự bất cập chênh lệch mức lương giữa thẩm phán tối cao, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp là quá lớn trong khi việc của cấp tỉnh ngày càng giao về nhiều cho cấp huyện Hiện nay toà án cấp huyện đã có thẩm quyền giải quyết hầu hết các vụ án, số lượng án của cấp tỉnh đã giảm đáng kể nhưng mức lương của thẩm phán huyện vẫn không thay đổi. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị ngạch thẩm phán chỉ có thẩm phán toà án tối cao và thẩm phán mà thôi, vì Hiến pháp cũng quy định Chủ tịch nước chỉ bổ nhiệm thẩm phán toà án tôi cao khi có sự phê chuẩn của Quốc hội, còn thẩm phán khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm mà không phân định thẩm phán trung cấp hay sơ cấp.

Góp ý về vấn đề án lệ, các đại biểu Đặng Công Lý, (đoàn Bình Định); Nguyễn Trọng Trường, (đoàn Bắc Ninh); Trịnh Thị Thanh Bình, (đoàn Bến Tre) cho rằng: Án lệ là vấn đề mới nên cần cân nhắc kỹ. Trước mắt, chỉ nên quy định Toà án nhân dân Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đại biểu Đặng Công Lý, (đoàn Bình Định) cho rằng: Về giá trị pháp lý và phương thức lựa chọn án lệ, đề nghị cân nhắc và quy định hướng án lệ là quyết định của giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao quyết định một việc nào đó là chuẩn mực, tuy nhiên điều kiện để ban hành án lệ là quy định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao phải là quyết định cao nhất không bị kháng nghị và khi xét xử giám đốc thẩm hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao không chỉ phá án mà có thể sửa bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Về việc kéo dài thời hạn bổ nhiệm của Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, một số đại biểu cho rằng không phù hợp. Đồng thời, đề nghị quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán không phân biệt Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và Thẩm phán Tòa án khác là 10 năm.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam