Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo đời sống nông dân

Chiều 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013.

Tại phiên thảo luận, nhiều giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tạo dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ tiếp tục được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Theo đại biểu (ĐB) Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), hiện nay, trên lĩnh vực thương mại, đầu tư, có tới 80 - 90% các dự án lớn về điện và giao thông đều là các đơn vị Trung Quốc trúng thầu. ĐB cho rằng, nếu giá rẻ mà các đơn vị này làm tốt, đảm bảo chất lượng thì không sao, nhưng ở đây, hầu hết các dự án đều thi công chậm tiến độ, tăng giá thầu, không sử dụng nhân công Việt Nam. Khi bàn giao thì công trình xuống cấp, lệ thuộc thiết bị thay thế… Đây là vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm.

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?”. Thu nhập sản xuất nông nghiệp còn thấp, khiến tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn xảy ra… Để phát huy nội lực, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, chúng ta đã coi nông nghiệp là mũi nhọn. Cùng với đó, Chính phủ cần có những quyết sách rõ ràng, minh bạch, khắc phục những thể chế quá lạc hậu trong nông nghiệp hiện nay.

Nói về những kết quả nền nông nghiệp Việt Nam đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thực tiễn đã cho thấy hai thành tựu lớn về nông nghiệp của Việt Nam: Việt Nam trở thành nước có 7 loại sản phẩm đứng từ hàng thứ 1 đến thứ 5 thế giới như: Tiêu, điều, cà phê, gạo…; có 12 loại cây, con có năng suất vào loại cao nhất thế giới như: Cá tra, tiêu…. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là thu nhập nông dân vẫn thấp, tốc độ tăng của nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Bởi vậy, muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hơn nữa thì cần phải có cuộc "cách mạng" về cung cấp nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm. Về quy hoạch, cần nội địa hóa đầu vào khâu cung cấp cho nông nghiệp, trong đó, chú trọng ngành sản xuất thức ăn cho cá tra; quy hoạch vùng đất và cải tạo giống cho năng suất cao đối với ngô và đậu tương. Về khâu đầu ra, cần đẩy mạnh việc tạo ra giống có chất lượng cao, chịu được hạn, chịu được bệnh; đổi mới công nghệ nuôi trồng, ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao; tạo điều kiện về vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hình thành các sàn giao dịch nông sản tương lai; tổng kết bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ, đảm bảo ổn định cho nông dân; công khai cho quốc tế hiểu Việt Nam không bán phá giá; hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu; hỗ trợ phát triển hệ thống kho lưu trữ trong cả nước và các vùng.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm thủy sản nước ta năm 2011 là 4,02%, năm 2012 là 2,68%, năm 2013 là 2,64%. Vì đây là dùng giá so sánh cố định của năm 2010 nên chỉ tiêu này không phản ánh sự thay đổi về chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Nếu lấy theo giá hiện hành, năm 2013, GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 654.000 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2010.

Về phát triển nông nghiệp, trong những tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng cho biết, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều tăng; chăn nuôi có xu hướng phục hồi; sản lượng đánh bắt tăng; diện tích trồng rừng tăng; xuất khẩu thủy sản tăng 10%; nhiều xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đời sống nông dân vẫn khó khăn vì quy mô sản xuất của mỗi gia đình còn quá nhỏ nên sự tăng lên không rõ nét, đồng thời, tỷ lệ lạm phát cũng làm triệt tiêu một phần giá trị tăng được, xuất khẩu gặp khó khăn trong khi tác động của những tồn tại về cơ cấu của ngành ngày càng mạnh…

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các địa phương sẽ quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chủ trương này./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam