Huy động sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 30/5, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014. Các đại biểu cũng cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Chiều 30/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Với đa số phiếu tán thành (85%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Theo nghị quyết, một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết quan trọng được ưu tiên bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua 13 dự án trong đó có: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Luật Trưng cầu ý dân; Luật Biểu tình.…

Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với bố cục, nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, có một số nội dung còn có ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung góp ý như: vấn đề quy hoạch môi trường, việc nhập khẩu phế liệu, sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa...

Các đại biểu tán thành với việc nhập khẩu một số loại phế liệu để tái chế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định cho phép nhập khẩu phế liệu trong Điều 81, 82 của dự thảo Luật, trong đó có việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ nhóm phế liệu nào được nhập, doanh nghiệp nào được cấp phép nhập phế liệu cũng như phân định rõ giữa “rác thải” và “phế liệu” nếu không nước ta sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới, chưa kể nhiều loại phế liệu để lại các chất độc hại gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: Xu hướng dịch vụ phá dỡ tàu biển cũ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đang diễn ra phổ biến. Đây chính là hình thức các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả là các nước nghèo chịu tác hại. Khi phá dỡ mang lại nhiều nguồn thép phế liệu nhưng để lại nhiều chất độc hại. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng đề nghị bỏ khoản 3, Điều 81 dự thảo Luật.

Các đại biểu tán thành với một số quy định của dự thảo trong việc huy động sức mạnh của các tổ chức xã hội, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo cần quy định rõ hơn, trong đó xác định trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Bình Định) đồng tình với quy định này, vì nếu làm tốt sẽ phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tuy nhiên quy định như Điều 152, 153 của dự thảo chưa rõ, còn trùng lắp, chưa rõ người đại diện dân cư là tổ chức, cá nhân nào. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm và chịu trách nhiệm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong bảo vệ môi trường...

Một số đại biểu cũng cho rằng, các quy định về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường trong dự thảo còn thiếu, chưa quan tâm tới môi trường sống trong lành của nhân dân. Từ thực tế ở địa phương trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) đề nghị quy định chặt chẽ hơn với việc quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, Chương III: bảo vệ môi trường trong khai thác, Điều 44: bổ sung “tác động tới đời sống sản xuất của nhân dân”. Thực tế ở các địa phương vừa rồi, khai thác đá, nổ mìn phá đá, tác động của tiếng ồn đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Tại sao không tính? Đánh giá thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho nhân dân.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam