Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Chiều 5/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng huyện Bảo Lâm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh, Bảo Lâm là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, nghèo nhất và xa nhất của tỉnh Cao Bằng, dân số 58.000 người, trình độ dân trí thấp, tập quán làm ăn di cư không ổn định, kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn (từ TP. Cao Bằng đến trung tâm huyện là 180 km), mật độ dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi đồi dốc, núi đá, sông suối rất hiểm trở, hay xảy ra lũ quét, thời tiết khắc nghiệt…
Về quốc phòng-an ninh, huyện luôn thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng và sẵn sàng chiến đấu, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Tình hình an ninh biên giới cơ bản ổn định.
Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện, về kinh tế-xã hội của huyện Bảo Lâm đã có nhiều khởi sắc và đạt được một số thành tựu quan trọng, tốc độ phát triển kinh tế đạt khá, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, đời sống văn hoá tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Tuy nhiên, với những đặc điểm về địa lý, điều kiện tự nhiên trên, huyện Bảo Lâm còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chủ yếu là dựa vào đầu tư của Nhà nước. Quy mô, giá trị sản xuất thấp, nguồn ngân sách chủ yếu là hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh. Các dân tộc sống phân tán, trình độ dân trí thấp, còn nhiều hủ tục, vấn đề về dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp. Đất sản xuất thiếu, tình trạng di dân tự do nhiều. Đường giao thông khó khăn, nên giao thương hạn chế, chủ yếu người dân tự cung tự cấp. Tỷ lệ dân cư được sử dụng điện còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và huyện Bảo Lâm kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa huyện Bảo Lâm vào địa bàn trọng điểm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và cho phép xây dựng một đề án phát triển kinh tế-xã hội được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi riêng đối với các địa bàn tương tự trong vùng đặc biệt khó khăn.
Kiến nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho một số lĩnh vực trọng tâm về hạ tầng thiết yếu và lĩnh vực văn hoá-xã hội như: Hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng các phòng học, phát triển giao thông, đầu tư một số hạng mục, kè chống xói lở hai bên bờ sông Gâm, xây dựng các công trình gắn ổn định dân cư với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực biên giới ổn định, bền vững.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bảo Lâm là huyện khó khăn nhất tỉnh Cao Bằng nên cần có những chính sách, mục tiêu cụ thể để thúc đẩy cho Bảo Lâm từng bước phát triển. Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương đưa huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vào địa bàn trọng điểm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Về tình hình trong huyện, Phó Thủ tướng yêu cầu, các cấp trong tỉnh cần chủ động nắm tình hình hơn nữa trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, huyện Bảo Lâm cần giữ vững đoàn kết các dân tộc, bồi dưỡng cán bộ cơ sở đủ mạnh, xoá bỏ tập tục lạc hậu, chăm lo cuộc sống cho nhân dân hơn nữa. Các bộ, ngành và tỉnh thực hiện đầy đủ, tốt nhất các chính sách cho huyện Bảo Lâm như Nghị quyết 30a cùa Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng một số công trình trọng điểm để phát triển kinh tế-xã hội như giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế…
Ban chỉ đạo Tây Bắc tập trung hỗ trợ cho Bảo Lâm xây dựng một số công trình trọng điểm, bức xúc cho dân sinh trong huyện. Bộ NNPTNT khảo sát, nghiên cứu, đề xuất giải bài toán xoá đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây (hiện nay tỷ lệ hộ nghèo lên tới 45%), qua đó từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống các dân tộc trong huyện.
Nguồn www.chinhphu.vn